Báo cáo học liệu
Mua học liệu
Mua học liệu:
-
Số dư ví của bạn: 0 coin - 0 Xu
-
Nếu mua học liệu này bạn sẽ bị trừ: 2 coin\Xu
Để nhận Coin\Xu, bạn có thể:

Bộ đề đọc hiểu truyện ngắn SVIP
(4 điểm) Đọc văn bản sau:
(Lược phần đầu: Dì Diệu và chú Đức lấy nhau nhiều năm nhưng không có con vì việc cắt khối u buồng trứng đã khiến dì không thể tự sinh con. Dì bàn với chú Đức tìm người mang thai hộ. Chị Lành gánh nước thuê vì hoàn cảnh ngặt nghèo nên nhận lời giúp chú dì.)
Và khi tháng Ba đi qua, đứa bé bắt đầu báo hiệu sự sống. Chị Lành khoe:
- Nó đạp rồi, chị Diệu, nó đạp đây nè…
Dì Diệu cười, rồi làm như một cơn gió từ đâu xộc tới, tim dì riết lại một nỗi đau. Dì thèm biết bao nhiêu cái cảm giác che chở một sinh linh sống trong mình, để được thèm tới cùng món ngọt, món chua, để có thể cảm nhận từ trái tim chứ không phải bằng bàn tay đôi bàn chân bé bỏng quẩy đạp trong bụng mình thon thót. Đó là những thứ cảm giác thiêng liêng không vay mượn, thuê mướn được: cảm giác làm mẹ. Dì bắt đầu lo lắng, mình đã làm một việc đúng không.
Chỉ còn một tháng hai mươi ngày nữa, đứa bé sẽ ra đời. Dì Diệu tính từng ngày, từng bữa. Chị Lành tính từng ngày từng bữa. Người trông cho mau, người trông đừng bao giờ đến. Dì Diệu cố quên cái vẻ mặt buồn bã, van nài của chị Lành. Chị biết, khi đứa bé ngoe ngoe cất tiếng khóc chào đời, là chị với nó sẽ phải chia lìa... Chị thấy thương mình, thương con và thương dì Diệu.
(Trích Làm mẹ, Tập truyện ngắn Nguyễn Ngọc Tư, NXB Trẻ)
Chú thích:
- Nguyễn Ngọc Tư sinh năm 1976 tại Đầm Dơi, Cà Mau, là nữ nhà văn trẻ của Hội nhà văn Việt Nam. Giọng văn đậm chất Nam Bộ, kể về những cuộc đời éo le. Cái chất miền quê sông nước ngấm vào tác phẩm, thấm đẫm tình của làng, tình của đất, của những con người chân chất hồn hậu.
- Tác phẩm Làm mẹ viết về nỗi bất hạnh của dì Diệu khi bị mất đi thiên chức làm mẹ. Qua đây nhà văn bộc lộ sự thấu cảm với tình mẫu tử của những người mẹ như dì Diệu, chị Lành.
Thực hiện các yêu cầu từ câu 1 đến câu 5 (trình bày ngắn gọn):
Câu 1. Xác định ngôi kể của văn bản.
Câu 2. Hình tượng trung tâm của văn bản là gì?
Câu 3. Chỉ ra biện pháp tu từ trong câu văn sau và nêu tác dụng của nó.
Chị thấy thương mình, thương con và thương dì Diệu.
Câu 4. Em có cảm nhận gì về nhân vật dì Diệu?
Câu 5. Viết đoạn văn ngắn (khoảng 3 - 5 câu) nói về một bài học sâu sắc mà em rút ra được sau khi đọc văn bản.
Hướng dẫn giải:
Câu 1. (0.5 điểm)
Ngôi thứ ba.
Câu 2. (0.5 điểm)
Hình tượng trung tâm của văn bản là những người phụ nữ có hoàn cảnh éo le, số phận bất hạnh.
Câu 3. (1.0 điểm)
- Biện pháp điệp từ.
- Tác dụng:
+ Nhấn mạnh nỗi lòng của chị Lành, đó là tình thương của chị dành cho chính mình, cho đứa con sắp chào đời và cho cả dì Diệu.
+ Thể hiện sự thấu cảm, trân trọng của tác giả dành cho vẻ đẹp nhân cách của chị Lành. Tác giả ca ngợi một người phụ nữ biết yêu thương, thông cảm sâu sắc.
+ Giúp câu văn trở nên đậm chất trữ tình, sâu lắng.
Câu 4. (1.0 điểm)
- Học sinh trình bày cảm nhận về nhân vật dì Diệu.
- Gợi ý:
+ Dì Diệu là người phụ nữ bất hạnh, có nhiều nỗi khổ, nhiều ưu sầu. Dì tủi phận, chua xót khi không thể có được cảm giác thai nghén, không được che chở cho đứa con của mình. Dì chỉ có thể tìm lấy cảm giác ấy bằng đôi bàn tay của mình lúc sờ vào bụng của chị Lành. Dì thèm cảm giác được làm mẹ. Dì khát khao có được thiên chức cao cả của người phụ nữ.
+ Dì Diệu cũng là người phụ nữ tốt, ân cần bên cạnh chị Lành dẫu đôi lúc dì cũng lo sợ. Dì không biết việc mình đang làm có đúng hay không. Dì lo nghĩ khi đứa bé ra đời, phải rời xa mẹ của nó thì sẽ ra sao.
--> Dì Diệu là một người phụ nữ mang trong lòng nhiều nỗi khổ tâm, muộn phiền. Bên cạnh đó, dì cũng là một người tốt, biết lo nghĩ, thông cảm cho người khác.
Câu 5. (1.0 điểm)
- Học sinh viết đoạn văn ngắn (khoảng 3 - 5 câu) nói về một bài học sâu sắc mà mình rút ra được sau khi đọc văn bản.
- Học sinh có thể trình bày bài học về sự yêu thương, cảm thông cho người khác trong cuộc sống; bài học về giá trị của tình mẫu tử, rút ra những điều cần làm để thể hiện sự biết ơn dành cho mẹ;...
(4 điểm) Đọc văn bản sau:
Hộ vốn nghèo. Hắn là một nhà văn, trước kia, với cách viết thận trọng của hắn, hắn chỉ kiếm được vừa đủ để một mình hắn sống một cách eo hẹp, có thể nói là cực khổ. Nhưng bấy giờ hắn chỉ có một mình. Ðói rét không có nghĩa lý gì đối với gã trẻ tuổi say mê lý tưởng. Lòng hắn đẹp. Ðầu hắn mang một hoài bão lớn. Hắn khinh những lo lắng tủn mủn về vật chất. Hắn chỉ lo vun trồng cho cái tài của hắn ngày một thêm nảy nở. Hắn đọc, ngẫm nghĩ, tìm tòi, nhận xét và suy tưởng không biết chán. Ðối với hắn lúc ấy, nghệ thuật là tất cả; ngoài nghệ thuật không còn gì đáng quan tâm nữa. Hắn băn khoăn nghĩ đến một tác phẩm nó sẽ làm mờ hết các tác phẩm khác cùng ra một thời... Thế rồi, khi đã ghép đời Từ vào cuộc đời của hắn, hắn có cả một gia đình phải chăm lo. Hắn hiểu thế nào là giá trị của đồng tiền; hắn hiểu những nỗi đau khổ của một kẻ đàn ông khi thấy vợ con mình đói rách. Những bận rộn tẹp nhẹp, vô nghĩa lý, nhưng không thể không nghĩ tới, ngốn một phần lớn thì giờ của hắn. Hắn phải cho in nhiều cuốn văn viết vội vàng. Hắn phải viết những bài báo để người ta đọc rồi quên ngay sau lúc đọc. Rồi mỗi lần đọc lại một cuốn sách hay một đoạn văn ký tên mình, hắn lại đỏ mặt lên, cau mày, nghiến răng vò nát sách và mắng mình như một thằng khốn nạn... Khốn nạn! Khốn nạn! Khốn nạn thay cho hắn! Bởi vì chính hắn là một thằng khốn nạn! Hắn chính là một kẻ bất lương! Sự cẩu thả trong bất cứ nghề gì cũng là một sự bất lương rồi. Nhưng sự cẩu thả trong văn chương thì thật là đê tiện. Chao ôi! Hắn đã viết những gì? Toàn những cái vô vị, nhạt nhẽo, gợi những tình cảm rất nhẹ, rất nông, diễn một vài ý rất thông thường quấy loãng trong một thứ văn bằng phẳng và quá ư dễ dãi. Hắn chẳng đem một chút mới lạ gì đến văn chương. Thế nghĩa là hắn là một kẻ vô ích, một người thừa. Văn chương không cần đến những người thợ khéo tay, làm theo một vài kiểu mẫu đưa cho. Văn chương chỉ dung nạp những người biết đào sâu, biết tìm tòi, khơi những nguồn chưa ai khơi, và sáng tạo những cái gì chưa có... Hắn nghĩ thế và buồn lắm, buồn lắm! Còn gì buồn hơn chính mình lại chán mình? Còn gì đau đớn hơn cho một kẻ vẫn khát khao làm một cái gì nâng cao giá trị đời sống của mình, mà kết cục chẳng làm được cái gì, chỉ những lo cơm áo mà đủ mệt? Hắn để mặc vợ con khổ sở ư?
(Theo Nam Cao, Đời thừa)
Thực hiện các yêu cầu từ câu 1 đến câu 5 (trình bày ngắn gọn):
Câu 1. Truyện được kể theo ngôi thứ mấy?
Câu 2. Trong đoạn trích, sự cẩu thả trong văn chương sẽ tạo nên những tác phẩm như thế nào?
Câu 3. Tìm và nêu tác dụng của biện pháp tu từ được sử dụng trong câu văn: “Hắn đọc, ngẫm nghĩ, tìm tòi, nhận xét và suy tưởng không biết chán.”
Câu 4. Nhân vật Hộ trong đoạn trích là người thế nào?
Câu 5. Em có đồng ý với ý kiến “Văn chương chỉ dung nạp những người biết đào sâu, biết tìm tòi, khơi những nguồn chưa ai khơi, và sáng tạo những cái gì chưa có...” không? Vì sao?
Hướng dẫn giải:
Câu 1. (0.5 điểm)
Truyện được kể theo ngôi thứ ba.
Câu 2. (0.5 điểm)
Trong đoạn trích, sự cẩu thả trong văn chương sẽ tạo nên những tác phẩm "vô vị, nhạt nhẽo, gợi những tình cảm rất nhẹ, rất nông, diễn một vài ý rất thông thường quấy loãng trong một thứ văn bằng phẳng và quá ư dễ dãi".
Câu 3. (1.0 điểm)
- Biện pháp liệt kê.
- Tác dụng:
+ Tạo nên sự dồn dập liên tiếp những hành động trong sáng tạo nghệ thuật của Hộ.
+ Nhấn mạnh sự cẩn thận, đam mê trong sáng tạo nghệ thuật của một nghệ sĩ chân chính và yêu nghề, hết lòng vì nghệ thuật.
Câu 4. (1.0 điểm)
- Nhân vật Hộ trước hết là một người nghệ sĩ chân chính với khát khao sáng tạo nghệ thuật mãnh liệt. Anh đã từng xem nhẹ vật chất, hết lòng trau chuốt cho tác phẩm của mình.
- Khi có vợ, vì những lo toan của cuộc sống, Hộ đã thay đổi. Anh không thể nhìn cảnh vợ con đói khát, khổ sở. Vì thế, chàng nghệ sĩ giàu nhiệt huyết ngày xưa đã vội vã viết. Chính anh cũng khẳng định những tác phẩm của mình thật vô vị. Hoàn cảnh khiến anh không thể thực hiện lí tưởng của mình. Điều đó làm anh dằn vặt, trăn trở, tự trách bản thân. Anh cũng là một nhân vật đáng thương.
Câu 5. (1.0 điểm)
- HS có thể chọn đồng tình hoặc không đồng tình với ý kiến. Lưu ý phải đưa ra lí giải phù hợp.
- Ví dụ khi HS đồng tình có thể trình bày như sau:
Em/ Tôi đồng tình với quan điểm trên, vì đó là một quan niệm đúng đắn, sâu sắc:
+ Thế giới văn chương cũng như cuộc sống luôn vô cùng phong phú, đa dạng. Nếu người nghệ sĩ cứ mãi đi theo một lối mòn thì sẽ tạo ra những tác phẩm nhàm chán, vô vị và tẻ nhạt.
+ Để tạo ra được những tác phẩm ấn tượng, người nghệ sĩ cần phải cẩn thận, kĩ lưỡng, sáng tạo, tìm ra những lối đi riêng, thể hiện phong cách riêng.
+ Khẳng định mỗi tác phẩm văn chương là cả sự sáng tạo kì công của người nghệ sĩ.
(4 điểm) Đọc văn bản sau:
Cha tôi thế hệ 5X, chớm già. Sinh năm Canh Dần, theo tuổi bà mụ, tính đến nay cha vừa tròn năm mươi chín tuổi. Hơn nửa thế kỷ có mặt trên đời thì bốn mươi năm cha mặc áo nhà binh, cầm súng và xa nhà. Cha tôi lấy vợ muộn và lại muộn đường con cái bởi đi chinh chiến hết miền Nam rồi sang Campuchia đến năm 1989 mới về nước, sau ở lì Tây Nguyên thỉnh thoảng mới về nhà.
Cha tôi đọc báo, nghe đài, xem ti vi. Ông càng lo cho tôi, đứa con trai độc nhất. Nó mà dây vào nghiện hút thì không những đời nó tàn mà cả nhà khổ, ông sẽ mất con. Lúc nào, cha tôi cũng cảm thấy bất ổn. Đi ra đường thì sợ tai nạn giao thông, về nhà thì chỉ sợ con hư hỏng, sợ vợ làm ăn đổ bể... Suốt cả đời, cha tôi quen rèn luyện người khác, quen chăm lo người khác nên nó ngấm vào máu, thành thuộc tính cố hữu rồi.
Tuy có ca thán về cha, nhưng chị Mai thương cha vô cùng. Cái dạo chị mới năm sáu tuổi, cha về phép. Một cái khung xe đạp, một con búp bê tóc vàng, vài mảnh vải cho vợ con; vậy mà cả nhà vẫn đầm ấm, hạnh phúc, vui vẻ. Cha rất quý con gái. Ngày ấy, gia đình tôi chưa chuyển lên Hà Nội ở. Chiều chiều, cha tôi dẫn con gái đi dọc triền đê nhìn đồng quê sông nước. Hình ảnh cha vận sắc phục nhà binh, đeo quân hàm đỏ chói, bàn tay to dầy thô dắt đứa con gái nhỏ bé lích chích đi tha thẩn, nhàn hạ, thanh bình trên triền đê đầy hoa cỏ may cứ đi theo chị tôi suốt tuổi thơ đến bây giờ. Nhưng, ám ảnh, sợ hãi nhất là khi cha khoác ba lô trả phép. Ngày ấy, bên chiến trường Campuchia đánh bọn Pôn Pốt vẫn đang ác liệt. Cha phải đi, bên ấy có nhiều việc đang chờ. Con gái và cha vừa ấm hơi, quen nhau thì cha đã ra đi. Cha không muốn mẹ đưa ra tận ga tàu, cha sợ những giọt nước mắt sụt sùi. Mẹ và chị tôi tiễn chân cha ra đầu làng. Cha âu yếm nhìn vợ, rồi ôm hôn con gái, cha bảo mẹ tôi: “Em và con về đi.”. Cha thả con gái xuống và quay lưng rảo bước, những bước chân dài đạp trên đá mạt rào rạo, vội vã, thỉnh thoảng quay lại vẫy vẫy tay. Bỗng chị tôi khóc thét lên và cùn cụt chạy theo cha. Cha tôi quay lại ôm choàng lấy con gái. Nước mắt chị tôi nhoen nhoét vào gương mặt dãi dầu từng trải của cha. Mẹ tôi bảo: “Hay anh ở lại, mai hãy đi.”. Cha tôi bảo: “Em đừng buồn. Anh mà ở lại thì anh không đi được nữa. Thôi nào con, cho bố đi nào.”. Cha chuyền tay trao con gái cho vợ rồi quay gót. Lần này, bước chân ông quả quyết, thật nhanh, không ngoái đầu nhìn lại. Mẹ và chị tôi thầm thũi khóc nhìn bóng cha tôi cứ xa dần, mờ dần.
(Trích Cha Tôi, Sương Nguyệt Minh, theo https://isach.info/story.php)
Thực hiện các yêu cầu từ câu 1 đến câu 5 (trình bày ngắn gọn):
Câu 1. Đoạn trích trên được viết theo ngôi kể nào?
Câu 2. Xác định lời dẫn trực tiếp và lời người kể chuyện trong những câu văn sau:
Cha tôi bảo: “Em đừng buồn. Anh mà ở lại thì anh không đi được nữa. Thôi nào con, cho bố đi nào”.
Cha chuyền tay trao con gái cho vợ rồi quay gót.
Câu 3. Câu văn “Lần này, bước chân ông quả quyết, thật nhanh, không ngoái đầu nhìn lại.” cho em cảm nhận gì về người cha trong đoạn trích?
Câu 4. Chỉ ra và nêu tác dụng của một biện pháp tu từ được sử dụng trong đoạn văn sau.
Lúc nào, cha tôi cũng cảm thấy bất ổn. Đi ra đường thì sợ tai nạn giao thông, về nhà thì chỉ sợ con hư hỏng, sợ vợ làm ăn đổ bể... Suốt cả đời, cha tôi quen rèn luyện người khác, quen chăm lo người khác nên nó ngấm vào máu, thành thuộc tính cố hữu rồi.
Câu 5. Qua lời kể của nhân vật “tôi” về cách giáo dục của người cha - một người quân nhân, với những đứa con, anh/chị có đồng tình với cách giáo dục đó trong hành trình phát triển và trưởng thành của mỗi người hay không?
Hướng dẫn giải:
Câu 1. (0.5 điểm)
Đoạn trích trên được viết theo ngôi kể thứ nhất.
Câu 2. (0.5 điểm)
- Lời dẫn trực tiếp: “Em đừng buồn. Anh mà ở lại thì anh không đi được nữa. Thôi nào con, cho bố đi nào”.
- Lời người kể chuyện: Cha tôi bảo; Cha chuyền tay trao con gái cho vợ rồi quay gót.
Câu 3. (1.0 điểm)
Câu văn “Lần này, bước chân ông quả quyết, thật nhanh, không ngoái đầu nhìn lại.” cho thấy:
- Thái độ cương quyết và tinh thần trách nhiệm của cha với Tổ quốc.
- Tình cảm yêu thương, gắn bó với gia đình, không dám nhìn lại vì sợ sẽ quyến luyến không thể rời xa vợ và con.
Câu 4. (1.0 điểm)
- Biện pháp tu từ: Liệt kê.
- Tác dụng:
+ Làm tăng tính biểu đạt, hấp dẫn cho lời văn.
+ Nhấn mạnh những nỗi lo lắng, tấm lòng yêu thương của người cha dành cho con cái, gia đình.
Câu 5. (1.0 điểm)
Học sinh trình bày quan điểm của bản thân:
- Thể hiện thái độ đồng tình hoặc không đồng tình.
- Lý giải về quan điểm bản thân.
- Có thể trình bày thêm những bài học rút ra cho bản thân.