Bài học cùng chủ đề
Báo cáo học liệu
Mua học liệu
Mua học liệu:
-
Số dư ví của bạn: 0 coin - 0 Xu
-
Nếu mua học liệu này bạn sẽ bị trừ: 2 coin\Xu
Để nhận Coin\Xu, bạn có thể:

Bộ đề đọc hiểu thơ tám chữ SVIP
(4 điểm) Đọc văn bản sau:
Xin cảm ơn những con đường ven biển
Cho rất nhiều đôi lứa dẫn nhau đi
Cám ơn sóng nói thay lời dào dạt
Hàng thuỳ dương nói hộ tiếng thầm thì
Anh như núi đứng suốt đời ngóng biển
Một tình yêu vươn chạm tới đỉnh trời
Em là sóng nhưng xin đừng như sóng
Đã xô vào xin chớ ngược ra khơi
Anh như núi đứng nghìn năm chung thuỷ
Không ngẩng đầu dù chạm tới mây bay
Yêu biển vỗ dưới chân mình dào dạt
Dẫu đôi khi vì sóng núi hao gầy...
Cám ơn em dịu dàng đi bên cạnh
Biển ngoài kia xanh quá nói chi nhiều
Núi gần quá - sóng và em gần quá
Anh đủ lời để tỏ một tình yêu.
(Biển, núi, sóng và em, Đỗ Trung Quân, Tạp chí sông Thương, 30/01/2013)
Thực hiện các yêu cầu từ câu 1 đến câu 5 (trình bày ngắn gọn):
Câu 1. Chỉ ra từ ngữ dùng để chỉ nhân vật trữ tình trong bài thơ.
Câu 2. Xác định đề tài của bài thơ.
Câu 3. Trình bày hiệu quả của biện pháp so sánh trong đoạn thơ:
Anh như núi đứng nghìn năm chung thuỷ
Không ngẩng đầu dù chạm tới mây bay
Câu 4. Nêu cảm hứng chủ đạo của bài thơ.
Câu 5. So sánh tình yêu của nhân vật trữ tình trong bài thơ trên với tình yêu của nhân vật trữ tình trong đoạn thơ sau:
Nếu từ giã thuyền rồi
Biển chỉ còn sóng gió
Nếu phải cách xa anh
Em chỉ còn bão tố.
(Trích Thuyền và biển, Xuân Quỳnh)
Hướng dẫn giải:
Câu 1. (0.5 điểm)
Từ chỉ nhân vật trữ tình là “anh”.
Câu 2. (0.5 điểm)
Đề tài: Tình yêu.
Câu 3. (1.0 điểm)
- So sánh: Anh như núi.
- Tác dụng:
+ Khẳng định tình yêu vững chắc, chung thủy, kiên định của anh dành cho em. Ở đây, tác giả Đỗ Trung Quân đã ví “anh” như “núi” - một hình ảnh vững chãi, kiên định, gợi liên tưởng đến sự bền bỉ, vững vàng qua tháng năm. Sự so sánh này không chỉ đơn thuần mô tả hình dáng mà còn làm nổi bật phẩm chất của người đàn ông trong tình yêu: sự thủy chung tuyệt đối, bền bỉ như ngọn núi ngàn năm không đổi thay. Núi sừng sững suốt “nghìn năm” gợi ra sự trường tồn và vững chãi, biểu thị một tấm lòng luôn ở đó, luôn hướng về em, không gì có thể làm lung lay được.
+ Biện pháp so sánh làm cho câu thơ thêm gợi hình, gợi cảm xúc sâu lắng, vừa lãng mạn vừa trầm tư.
Câu 4. (1.0 điểm)
Cảm hứng chủ đạo của bài thơ "Biển, núi, sóng và em" là khát vọng về tình yêu vĩnh cửu, thủy chung và bền chặt.
Câu 5. (1.0 điểm)
- Sự giống nhau: Tình yêu của nhân vật trữ tình trong “Biển, núi, sóng và em” của Đỗ Trung Quân và “Thuyền và biển” của Xuân Quỳnh đều thể hiện sự thủy chung và khao khát gắn bó mãnh liệt. Cả hai tình yêu ấy đều lấy hình tượng thiên nhiên làm điểm tựa để diễn tả nỗi lòng: nếu một bên là sự vững chãi, trầm lặng của “núi” hướng về “biển” thì bên kia là sự nồng nàn, cuồng nhiệt của “biển” luôn một hướng đợi “thuyền.
- Sự khác nhau: Tuy nhiên, tình yêu trong thơ Đỗ Trung Quân mang sắc thái kiên định, bền bỉ và bao dung như một điểm tựa vĩnh hằng, còn tình yêu trong thơ Xuân Quỳnh lại chứa đựng sự đam mê, dữ dội và mong manh, luôn lo sợ mất đi người mình yêu. Một bên là sự bình yên thầm lặng, một bên là giông tố cuộn trào khi chia xa. Hai cung bậc ấy làm nên vẻ đẹp riêng biệt nhưng cùng hòa quyện trong một khát vọng tình yêu vĩnh cửu.
(4 điểm) Đọc văn bản sau:
Tự tình với quê hương
Quê hương ơi! yêu dấu tự ngàn đời
Đẹp từ lúc trong nôi lời mẹ hát
Bến đò xưa dòng Lô giang ào ạt
Con nước đôi bờ thắm vị phù sa.
Tuổi thơ con đẹp tựa một bài ca
Ngọn Tam Đảo reo âm vang hùng vĩ
Tháp Bình Sơn vững vàng bao thế kỉ
Đứng mặc trầm như đá tạc vào thơ.
Con lớn lên theo từng trang sách vở
Thầy dạy cho biết yêu tiếng quê mình
Thơ Xuân Hương ấm mãi vành môi xinh
Con thuộc nằm lòng như mẹ thuộc lời ru.
Tổ quốc gọi con bước vào quân ngũ
Khoác trên mình màu áo lính thân thương
Đêm đứng gác sao lòng thấy vấn vương
Nhớ Đồng Đậu, nhớ Tây Thiên vời vợi.
Vĩnh Phúc ơi! Lòng con luôn mong đợi
Được trở về với làng gốm Hương Canh
Được trở về với Đại Lải mát xanh
Để được yêu thêm mảnh đất biếc quê mình.
(Lê Gia Hoài, Mùa say đắm 1, NXB Hội Nhà văn, 2017)
Thực hiện các yêu cầu từ câu 1 đến câu 5 (trình bày ngắn gọn):
Câu 1. Xác định thể thơ của văn bản.
Câu 2. Xác định hình ảnh được sử dụng để so sánh với tuổi thơ con trong văn bản.
Câu 3. Trình bày hiệu quả của việc sử dụng hình thức lời tâm sự con với mẹ trong văn bản.
Câu 4. Xác định một biện pháp tu từ có trong hai câu thơ sau và nêu tác dụng của nó.
Đêm đứng gác sao lòng thấy vấn vương
Nhớ Đồng Đậu, nhớ Tây Thiên vời vợi.
Câu 5. Từ tâm trạng của nhân vật trữ tình con trong văn bản, anh/ chị hãy bày tỏ suy nghĩ về ý nghĩa của quê hương trong hành trình trưởng thành của mỗi con người.
Hướng dẫn giải:
Câu 1. (0.5 điểm)
Thể thơ tám chữ.
Câu 2. (0.5 điểm)
Hình ảnh được sử dụng để so sánh với tuổi thơ con trong văn bản là một bài ca.
Câu 3. (1.0 điểm)
Hiệu quả của việc sử dụng hình thức lời tâm sự con với mẹ trong văn bản: Tạo nên giọng điệu thơ ấm áp, gần gũi, giàu cảm xúc. Đó là tình yêu da diết dành cho những vẻ đẹp của quê hương, những khung cảnh, kỉ niệm gắn liền với tuổi thơ của con. Qua lời ru của mẹ, quê hương như càng đẹp hơn và con lớn lên, biết yêu quê hương ngay từ khi lọt lòng nhờ lời ru của mẹ.
Câu 4. (1.0 điểm)
- Biện pháp điệp từ ("nhớ").
- Tác dụng:
+ Tạo nhạc điệu nhẹ nhàng, sâu lắng cho lời thơ.
+ Thể hiện tình cảm yêu thương, gắn bó, nhớ nhung da diết của người con dành cho quê nhà.
Câu 5. (1.0 điểm)
- Học sinh trả lời dựa trên quan điểm, suy nghĩ của mình.
- Gợi ý:
+ Quê hương là mảnh đất chúng ta được sinh ra, lớn lên. Từ tinh túy của mảnh đất này, ta trau dồi bản thân cả về thể xác lẫn tinh thần, trở thành một công dân hoàn thiện, mang trong mình những ước mơ, khát vọng to lớn để sau này giúp đời, giúp người.
+ Quê hương còn là nơi con người ta quay trở về sau những bão tố, những khó khăn ngoài kia. Bất cứ người con nào khi xa quê trở về đều cảm thấy thanh thản, yên bình bởi cái không khí quen thuộc, bởi con người mộc mạc nơi xứ mình.
(4 điểm) Đọc văn bản sau:
Nếu Tổ quốc đang bão giông từ biển
Có một phần máu thịt ở Hoàng Sa
Ngàn năm trước con theo cha xuống biển
Mẹ lên rừng thương nhớ mãi Trường Sa
Đất Tổ quốc khi chập chờn bóng giặc
Các con nằm thao thức phía Trường Sơn
Biển Tổ quốc chưa một ngày yên ả
Biển cần lao như áo mẹ bạc sờn
Nếu Tổ quốc hôm nay nhìn từ biển
Mẹ Âu Cơ hẳn không thể yên lòng
Sóng lớp lớp đè lên thềm lục địa
Trong hồn người có ngọn sóng nào không?
Nếu Tổ quốc nhìn từ bao quần đảo
Lạc Long cha nay chưa thấy trở về
Lời cha dặn phải giữ từng thước đất
Máu xương này con cháu vẫn nhớ ghi
(Trích Tổ quốc nhìn từ biển, Nguyễn Việt Chiến)
Thực hiện các yêu cầu từ câu 1 đến câu 5 (trình bày ngắn gọn):
Câu 1. Xác định thể thơ của văn bản.
Câu 2. Câu thơ Ngàn năm trước con theo cha xuống biển gợi cho em về truyền thuyết nào của dân tộc ta?
Câu 3. Phân tích tác dụng của biện pháp tu từ được sử dụng trong câu thơ: Biển cần lao như áo mẹ bạc sờn.
Câu 4. Nội dung của đoạn thơ trên là gì?
Câu 5. Qua đoạn thơ trên, em rút ra bài học gì cho bản thân?
Hướng dẫn giải:
Câu 1. (0.5 điểm)
Thể thơ: Tám chữ.
Câu 2. (0.5 điểm)
Câu thơ Ngàn năm trước con theo cha xuống biển gợi cho em về truyền thuyết Con Rồng cháu Tiên.
Câu 3. (1.0 điểm)
- HS chỉ ra biện pháp tu từ được sử dụng trong câu thơ: So sánh.
- HS phân tích tác dụng của biện pháp tu từ: Biện pháp tu từ so sánh có tác dụng giúp cho hình ảnh biển hiện lên sinh động hơn, ngôn ngữ thơ thêm hàm súc, qua đó góp phần khắc họa chân thực bao sóng gió, hiểm nguy mà một phần lãnh thổ của dân tộc ta phải đối diện.
Câu 4. (1.0 điểm)
Qua đoạn thơ trên, tác giả nêu lên vấn đề về chủ quyền của đất nước, về vai trò quan trọng của biển đảo đối với một quốc gia, từ đó nhấn mạnh trách nhiệm của mỗi cá nhân trong việc bảo vệ lãnh thổ, chủ quyền dân tộc.
Câu 5. (1.0 điểm)
Qua nội dung của đoạn thơ trên, HS tự rút ra cho mình bài học về nhận thức hoặc hành động, ví dụ:
- Luôn có ý thức tìm hiểu về lãnh thổ, chủ quyền dân tộc.
- Cần biết giữ gìn, bảo vệ chủ quyền, lãnh thổ của dân tộc.
- Khắc ghi lời dạy, trân trọng sự hi sinh của những thế hệ đi trước để tiếp nối truyền thống yêu nước, sẵn sàng hiến dâng sinh mệnh vì dân tộc.