Bài học cùng chủ đề
Báo cáo học liệu
Mua học liệu
Mua học liệu:
-
Số dư ví của bạn: 0 coin - 0 Xu
-
Nếu mua học liệu này bạn sẽ bị trừ: 2 coin\Xu
Để nhận Coin\Xu, bạn có thể:

Bộ đề đọc hiểu thơ song thất lục bát SVIP
(4 điểm) Đọc văn bản sau:
Trưa vắng
Hồn tôi đấy: căn trường nho nhỏ
Nước vôi xanh, bờ cỏ tươi non
Lâu rồi còn thoảng mùi thơm
Chân đi nghe động tới hồn ngây thơ
Sâu rộng quá những giờ vui trước
Nhịp cười say trên nước chưa trôi
Trưa hè thưng thấy hai tôi
Ném đầu chim chích, bắt đuôi chuồn chuồn
Đời đẹp quá, tôi buồn sao kịp?
Trang sách đầu chép hết giây mơ
Ngả mình trên bóng nhung tơ
Tôi nguyền: sau lớn làm thơ suốt đời
Cỏ mấy bận xanh rồi lại tạ
Gió lùa thu trong lá bao lần
Bạn trường những bóng phù vân
Xót thương mái tóc nay dần hết xanh
Hồn xưa dậy: chim cành động nắng
Lá reo trên hồ lặng nước trong
Trưa im im đến não nùng
Tôi ngờ trống học trong lòng trưa vang….
(Hồ Dzếnh, Trích Tuyển tập thơ Việt Nam 1930 - 1945)
Chú thích: Hồ Dzếnh (1916 - 1991), tên thật là Hà Triệu Anh hay Hà Anh (ghi theo giọng Quảng Đông là Hồ Dzếnh) là một nhà thơ của Việt Nam. Ông được biết nhiều nhất qua tập thơ Quê ngoại với một giọng thơ nhẹ nhàng, phảng phất hương vị thơ cổ Trung Hoa. Ngoài ra, Hồ Dzếnh còn là một nhà văn với nhiều tác phẩm, tiêu biểu là tập truyện ngắn Chân trời cũ (1942), Thạch Lam đề tựa.
Thực hiện các yêu cầu từ câu 1 đến câu 5 (trình bày ngắn gọn):
Câu 1: Xác định thể thơ của văn bản.
Câu 2: Tìm những hình ảnh miêu tả về ngôi trường trong kí ức của nhân vật trữ tình ở khổ thơ thứ nhất.
Câu 3: Em hiểu như thế nào về câu thơ "Đời đẹp quá, tôi buồn sao kịp"?
Câu 4: Chỉ ra và phân tích tác dụng của biện pháp tu từ trong đoạn thơ sau:
Cỏ mấy bận xanh rồi lại tạ
Gió lùa thu trong lá bao lần
Bạn trường những bóng phù vân
Xót thương mái tóc nay dần hết xanh.
Câu 5: Bài thơ gợi cho em suy nghĩ gì về tình cảm với trường lớp đã gắn bó với mỗi con người trong thời học sinh.
Hướng dẫn giải:
Câu 1. (0.5 điểm)
Thể thơ: Song thất lục bát.
Câu 2. (0.5 điểm)
Những hình ảnh miêu tả về ngôi trường trong kí ức của nhân vật trữ tình ở khổ thơ thứ nhất: căn trường nho nhỏ, nước vôi xanh, bờ cỏ tươi non thoảng mùi thơm.
Câu 3. (1.0 điểm)
- Cuộc đời quá đẹp khiến "tôi" không "kịp" buồn, mà dành thời gian để hưởng thụ vẻ đẹp của trời đất, của cuộc sống. Câu thơ cho thấy một tâm hồn yêu thiên nhiên, yêu cuộc đời.
- Câu thơ còn gợi cho con người tình yêu đời, yêu cuộc sống; khuyên nhủ mọi người mở rộng tâm hồn, cảm nhận vẻ đẹp của vạn vật xung quanh.
Câu 4. (1.0 điểm)
- Biện pháp tu từ hoán dụ: Mái tóc nay dần hết xanh.
- Tác dụng:
+ Diễn tả tâm trạng tiếc nuối quá khứ, nhớ về cái tuổi mơ mộng, với âm điệu hoài cổ pha chút ngẫm ngợi suy tư của hiện tại khi tóc đã đổi màu quay lại trường xưa.
+ Giúp câu thơ gợi hình, gợi cảm.
Câu 5. (1.0 điểm)
- Học sinh trả lời dựa trên quan điểm, suy nghĩ của mình.
- Gợi ý:
+ Tình cảm trong sáng, hồn nhiên, mơ mộng.
+ Tình cảm thiêng liêng đầy tự hào với ngôi trường đã mang cho ta những tri thức và cả những yêu thương.
+ Đó là điểm tựa cho con người trên bước đường nhiều thử thách chông gai.
(4 điểm) Đọc văn bản sau:
BIẾT ƠN CHA MẸ
Ngày tháng bảy mưa rơi lướt thướt
Chạnh lòng con sướt mướt canh thâu
Mẹ cha giờ khuất nơi đâu
Dương gian hay cõi thâm sâu ngút ngàn
Đêm trở gió bàng hoàng tỉnh giấc
Nhớ công ớn chất ngất lòng đau
Mẹ cha khuất bóng đã lâu
Con chưa đền đáp ơn sâu cửu trùng
Nhớ cái thuở bần cùng cạn kiệt
Cha đảm đương mải miết vườn rau
Cơm canh khoai sắn bên nhau
Chắt chiu ngày tháng mong cầu vươn lên
Thời gian vững lòng bền cha bước
Lên tỉnh thành sau trước lo toan
Đàn con sâm sấp hiền ngoan
Mẹ thay cha dạy bảo ban con khờ
Rồi đến lúc con thơ đã lớn
Bỏ mẹ cha về chốn phồn hoa
Đứa an phận đứa bôn ba
Xót xa con trẻ lệ nhòa đêm thâu
Khi con đã bắt đầu ổn định
Thì mẹ cha thân tịnh bất an
Mẹ đi về chốn mây ngàn
Cha thương nhớ mẹ võ vàng theo sau
Con chưa kịp ơn sâu đền đáp
Chỉ mong sao Phật Pháp nhiệm màu
Mẹ cha thoát kiếp khổ đau...
Luân hồi sanh tử nguyện cầu vãng sanh.
(Hoàng Mai)
Thực hiện các yêu cầu từ câu 1 đến câu 5 (trình bày ngắn gọn):
Câu 1. Xác định thể thơ của văn bản.
Câu 2. Phương thức biểu đạt chính của văn bản này là gì?
Câu 3. Mạch cảm xúc của bài thơ này là gì?
Câu 4. Phát biểu đề tài, chủ đề của bài thơ.
Câu 5. Qua bài thơ, em rút ra được bài học gì cho bản thân?
Hướng dẫn giải:
Câu 1. (0.5 điểm)
Thể thơ: Song thất lục bát.
Câu 2. (0.5 điểm)
Phương thức biểu đạt chính của văn bản: Biểu cảm.
Câu 3. (1.0 điểm)
Mạch cảm xúc: Mở đầu bài thơ, nhân vật trữ tình - người con bất giác chạnh lòng khi nhớ về cha mẹ đã khuất bóng nơi xa. Trong đêm tháng bảy trở gió ấy, người con càng thêm xót xa, phiền muộn khi chưa đền đáp được công ơn sâu nặng của cha mẹ. Dòng cảm xúc từ hiện tại lộn ngược dòng về quá khứ - những năm tháng cha vất vả làm lụng, nuôi sống gia đình, mẹ ở nhà dạy dỗ đàn con thơ; rồi khi đàn con khôn lớn, cha mẹ xót thương con vất vả bôn ba; khi con cái ổn định cuộc sống, cha mẹ đau ốm, rời khỏi thế gian. Lúc này đây, nỗi tiếc nuối càng thêm dâng trào mạnh mẽ, người con chỉ còn biết cầu mong cha mẹ tại nơi xa xôi kia sẽ không phải chịu khổ đau, sớm được về với cõi vãng sanh thanh tịnh, an lành.
Câu 4. (1.0 điểm)
- Đề tài: Cha mẹ.
- Chủ đề: Lòng biết ơn, sự chạnh lòng của người con khi chưa báo đáp được công ơn của cha mẹ.
Câu 5. (1.0 điểm)
Dựa vào nội dung của bài thơ, HS tự rút ra bài học cho bản thân. Đó có thể là những bài học sau:
- Cần biết quan tâm, yêu thương, giúp đỡ cha mẹ nhiều hơn.
- Cần biết trân trọng công lao của cha mẹ.
- Cần dành nhiều thời gian cho cha mẹ hơn.
- ...
(4 điểm) Đọc văn bản sau:
XUÂN SẦU (II)
Trăm hoa đua nở đẹp hơn cười
Một cái oanh vàng uốn lưỡi chơi
Phong cảnh chiều xuân vui vẻ thế
Xuân sầu chi để bận riêng ai!
Mười lăm năm trước xuân xanh
Tri Tri cất tiếng, Hữu Thanh gọi đàn
Tình nguyện vọng chứa chan non nước
Bạn tri âm man mác giời mây
Nở gan một cuộc cười say
Đường xa coi nhẹ gánh đầy như không
Phận nam nhi tang bồng là chí
Chữ trượng phu ý khí nhường ai
Non sông thề với hai vai
Quyết đem bút sắt mà mài lòng son
Dư đồ rách, nước non tô lại
Đồng bào xa, trai gái kêu lên
Doanh hoàn là cuộc đua chen
Rồng Tiên phải giống ngu hèn, mà cam!
Tiếng gọi bạn nửa năm vừa dứt
Sức thua giời, trăm sức mà chi
Tình duyên đến lúc phân ly
Giang sơn bảng lảng, tu mi thẹn thùng
Xếp ngọn bút, đau lòng son sắt
Giã đàn văn, lánh mặt phong sương
Cho hay trần luỵ đa mang
Trăm năm duyên nợ văn chương còn nhiều
Thuyền một lá buông liều sông nước
Lái tám năm xuôi ngược dòng sông
Nực cười trận gió đông phong
Làm cho chú lái không công mất thuyền
Ngồi nghĩ lại mối duyên sao lạ
Dẫu kêu rằng món nợ cũng hay
Trần hoàn trả trả vay vay
Kể chi công nợ, cho rầy thanh tao
Mừng xuân mới, rượu đào khuyên cạn
Vắng tri âm mà bạn non xanh
Gan vàng, tóc bạc, non xanh
Thiên nhiên ai hoạ bức tranh xuân sầu?
(Tản Đà)
* Chú thích: Tản Đà là chủ bút của tạp chí Hữu Thanh, An Nam tạp chí. Bài thơ Xuân sầu (II) được sáng tác vào năm 1936, trong khoảng thời gian tờ An Nam tạp chí của ông bị đình chỉ nhiều lần, sau đó phải đóng cửa vĩnh viễn.
Thực hiện các yêu cầu từ câu 1 đến câu 5 (trình bày ngắn gọn):
Câu 1. Chỉ ra dấu hiệu giúp em nhận biết được thể thơ của văn bản trên.
Câu 2. Phương thức biểu đạt chính của văn bản này là gì?
Câu 3. Nhận xét về không gian và thời gian trong văn bản.
Câu 4. Qua văn bản, nhân vật trữ tình gửi gắm những tâm trạng, cảm xúc gì?
Câu 5. Phân tích tác dụng của phép đối trong văn bản.
Hướng dẫn giải:
Câu 1. (0.5 điểm)
- Dấu hiệu nhận biết thể thơ song thất lục bát trong văn bản trên là số tiếng/ dòng thơ (cặp câu song thất có 7 chữ/ dòng; cặp câu lục bát bao gồm một dòng 6 chữ, một dòng 8 chữ), sự đan xen giữa các cặp câu trong bài thơ (cặp câu song thất đan xen cặp câu lục bát).
Câu 2. (0.5 điểm)
Phương thức biểu đạt chính của văn bản: Biểu cảm.
Câu 3. (1.0 điểm)
- Thời gian: Mùa xuân.
- Không gian: Trăm hoa đua nở đẹp hơn cười/ Một cái oanh vàng uốn lưỡi chơi/ Phong cảnh chiều xuân vui vẻ thế.
=> Bức tranh thiên nhiên mùa xuân rực rỡ sắc màu, rộn rã âm thanh với không khí vui tươi, náo nức, tràn đầy sức sống.
Câu 4. (1.0 điểm)
Qua bài thơ, nhân vật trữ tình bộc lộ nỗi buồn trước nhân tình thế thái: Đau lòng khi phải đóng cửa tòa soạn, buồn rầu vì bên cạnh vắng bóng tri âm, phiền muộn khi tuổi già ập đến,...
Câu 5. (1.0 điểm)
- Phép đối được thể hiện xuyên suốt trong bài thơ qua sự đối lập giữa cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp với tâm trạng phiền muộn, đau buồn của nhân vật trữ tình trước nhân tình thế thái.
- Tác dụng: Nhấn mạnh, khắc họa sâu sắc nỗi buồn của nhân vật trữ tình trước cảnh nhân tình thế thái (nỗi buồn khi phải đóng cửa tòa soạn, nỗi buồn khi không người bầu bạn, sẻ chia, nỗi buồn trước tuổi già) trong sự đối lập với không gian rộn ràng, tươi vui của mùa xuân.