Bài học cùng chủ đề
Báo cáo học liệu
Mua học liệu
Mua học liệu:
-
Số dư ví của bạn: 0 coin - 0 Xu
-
Nếu mua học liệu này bạn sẽ bị trừ: 2 coin\Xu
Để nhận Coin\Xu, bạn có thể:
Bài soạn SVIP
Câu 1: Tình cảm thân thiết của Ba-sô với Ê-đô và niềm hoài cảm về Kinh đô Ki-ô-tô đệp đẽ đầy kỉ niệm:
- Bài 1: Đất khách mười mùa sương
về thăm quê ngoảnh lại
Ê-đô là cố hương.
Quê của Ba-sô vốn ở Mi-ê, ông lên Ê-đô được mười năm mới trở về thăm quê. Nhưng đi rồi mới lại thấy nhớ Ê-đô, thấy Ê-đô như quê hương mình. Như thế, tình yêu quê hương đã hòa quyện với tình yêu nước trong tâm hồn nhà thơ.
- Bài 2: Chim đỗ quyên hót
ở Kinh đô
mà nhớ Kinh đô.
Ba-sô ở Kinh đô (Ki-ô-tô) thời trẻ (1666 - 1672) rồi mới chuyển đến Ê-đô. Hai mươi năm sau ông trở lại Kinh đô, nghe tiếng chim đỗ quyên hót mà viết nên bài thơ. Chim quyên hót báo hiệu hè về. Tiếng chim đồng thời cũng khắc khoải nhắc nhớ về kỉ niệm một thời tuổi trẻ. Như thế, tiếng chim quyên gợi nên nỗi niềm hoài niệm, nỗi buồn và vui đan xen, gợi về kí ức mơ hồ thời xa xăm. Bài thơ thấm đẫm tâm trạng và nỗi niềm của lữ khách tha hương.
Câu 2:
- Bài 3: Lệ trào nóng hổi
tan trên tay tóc mẹ
làn sương thu.
Ba-sô về quê thì mẹ đã mất. Người anh đưa cho ông di vật còn lại của mẹ là một mớ tóc bạc. Ông cầm di vật ấy trên tay mà dòng lệ chảy rưng rưng. Nỗi lòng thương cảm xót xa của tác giả khi mẹ không còn được gợi ra bởi cụm từ "lệ nóng hổi", "tan trên tay", "làn sương thu". Dường như mớ tóc bạc như làn sương thu kia, gợi ra cả cuộc đời vất vả, hi sinh của người mẹ dành cho con. Bài thơ gợi lại cái nhìn, sự trống trải, nỗi buồn của người con khi chưa báo đáp được công ơn sinh thành, dưỡng dục của mẹ. Tình mẫu tử lay động những cảm xúc từ sâu nhất đáy lòng mỗi người.
- Bài 4: Tiếng vượn hú não nề
hay tiếng trẻ bị bỏ rơi than khóc?
gió mùa thu tái tê.
Bài thơ được viết trong chuyến du kí của Ba-sô những năm cuối đời, trích trong cuốn Phơi thân đồng nội (1685). Bài thơ ra đời trong một hoàn cảnh khá đặc biệt: một lần ông đi ngang qua cánh rừng bỗng nghe thấy tiếng vượn hú. Tiếng ấy gợi ông nhớ tới tiếng khóc của những em bé bị bỏ trong rừng.
Bài thơ gợi lại kí ức đau thương của Nhật Bản một thời: những năm mất mùa, đói kém, có nhà không nuôi nổi con nên phải bỏ con vào rừng.
Sự thực ấy dường như in vào tâm khảm nhà thơ, khiến ông có sự đồng cảm, xót thương sâu sắc. Âm thanh vang lên trong rừng khi tác giả đi ngang qua là âm thanh tiếng vượn hú hay tiếng trẻ bị bỏ rơi kêu khóc? Điều đó khiến cảnh vật thiên nhiên cũng như cất lên tiếng khóc. "Gió mùa thu tái tê" cũng là tiếng khóc đồng cảm của chính nhà thơ khi từng trải qua và nhớ về kí ức đau thương ấy. Qua đó, bài thơ lay động lòng đồng cảm, đồng vọng từ người đọc.
Câu 3:
Bài 5: Mưa đông giăng đầy trời
chú khỉ con thầm ước
có một chiếc áo tơi.
Bài thơ cũng giống bài thơ trên, sáng tác trong một lần Ba-sô đi ngang qua một cánh rừng. Tại đây, ông nhìn thấy chú khỉ nhỏ đang lạnh run dưới cơn mưa mùa đông. Nhà thơ tưởng tượng ra ý nghĩ của chú khỉ con, ước có một chiếc áo tơi che mưa, để khỏi lạnh.
Hình ảnh chú khỉ con đơn độc gợi lên hình ảnh người nông dân Nhật Bản thời bấy giờ, hình ảnh những em bé nghèo co ro trong cái lạnh, những đứa trẻ bị bỏ rơi do cái nghèo, cái đói,... Bài thơ gửi gắm tình thương yêu sâu sắc của nhà thơ đối với những kiếp người nghèo khổ và kêu gọi lòng đồng cảm nơi người đọc.
Câu 4:
- Bài 6: Từ bốn phương trời xa
cánh hoa đào lả tả
gợn sóng hồ Bi-oa.
Hình ảnh những cánh hoa đào lả tả và sóng nước hồ Bi-oa đã gợi ra sự tương giao của cảnh vật thiên nhiên vũ trụ: cảnh vật đang ở trạng thái chuyển mùa, giao mùa. Trong đó, chỉ cánh hoa đào rơi - sự vật động nhẹ nhàng tinh vi nhất cũng có thể làm hồ Bi-oa gợn sóng. Điều này cho thấy quan sát tinh tế của tác giả khi cảm nhận về cảnh vật thiên nhiên đất trời trong khoảnh khắc giao mùa.
- Bài 7: Vắng lặng u trầm
thấm sâu vào đá
tiếng ve ngâm.
Sự giao cảm giữa các sự vật hiện tượng trong vũ trụ được bộc lộ qua âm thanh tiếng ve. Tiếng ve kêu báo hiệu hè đã tới. Khoảnh khắc giao mùa được tác giả cảm nhận sâu sắc và tinh tế tới mức thấy như tiếng ve thấm vào đá. Trong cái tĩnh mịch của sự vật vốn tĩnh tại là đá dường như cũng phản chiếu cả âm thanh tiếng ve. Dường như cái tĩnh lặng đã góp phần làm nổi bật âm thanh sôi động, rả rích của tiếng ve. Bài thơ phần nào diễn tả được khung cảnh thiên nhiên đầy sôi động khi hè về.
Câu 5:
Bài 8: Nằm bệnh giữa cuộc lãng du
mộng hồn còn phiêu bạt
những cánh đồng hoang vu.
Bài thơ được sáng tác tại Ô-sa-ka ngay trước khi ông mất (1694). Trước đó, ông đã thấy mình yếu lắm rồi nhưng không hề bi lụy. Ba-sô đã lang thang, phiêu bạt khắp nơi trong cả cuộc đời vì thế trước khi từ giã cõi đời ông vẫn như còn luyến tiếc, vẫn muốn được tiếp tục cuộc lãng du. Thân xác đã héo tàn, ông gửi gắm và lãng du bằng tâm hồn, tới những cánh đồng, những miền đất mới, xa lạ, hoang dại. Bài thơ kết thúc mà tư tưởng mới thực sự lan tỏa. Bài thơ như bức thông điệp gửi gắm tâm nguyện của nhà thơ: được như cánh chim trời, được như người tự do lãng du tới khắp mọi miền. Đồng thời cũng như hối thúc con người thấy được sự hữu hạn của cuộc đời mà mau chóng thực hiện những điều mình muốn, không chần chừ, không do dự.
Câu 6:
- Trong bài 6, "quý ngữ" là "cánh hoa đào". Hình ảnh này gợi lên cảm thức thẩm mĩ về cái đơn sơ - triết lí sâu sắc rút ra được từ bức tranh mùa xuân tươi đẹp.
- Trong bài 7, "quý ngữ" là "tiếng ve ngâm". Âm thanh tiếng ve vang vọng gợi cảm thức thẩm mĩ về sự u huyền, tịch mịch trong không gian.
- Trong bài 8, "quý ngữ" là "những cánh đồng hoang vu". Cảnh cánh đồng gợi cảm thức thẩm mĩ về sự vắng lặng, hiu quạnh.
Bạn có thể đánh giá bài học này ở đây