Hãy nhập câu hỏi của bạn vào đây, nếu là tài khoản VIP, bạn sẽ được ưu tiên trả lời.
Sau khi An Dương Vương xây xong thành Cổ Loa thì được thần Kim Quy cho một cái móng để làm nỏ thần. Lúc bấy giờ Triệu Đà làm chúa đất Nam Hải, mấy lần đem quân sang cướp đất Âu Lạc, nhưng vì An Dương Vương có nỏ thần nên đành rút quân về chờ thời cơ thích hợp. Triệu Đà nhân cơ hội đưa con trai mình là Trọng Thủy sang cầu thân với Mị Châu - con gái An Dương Vương. Một thời gian qua đi, khi đã có được lòng tin yêu của vợ, Trọng Thủy dò hỏi chuyện về chiếc nỏ thần. Biết được bí mật, mượn cớ về thăm cha, Trọng Thủy đánh cắp nỏ thần đem về đưa cho Triệu Đà. Có nỏ thần trong tay, Triệu Đà tiến đánh Âu Lạc một lần nữa. An Dương Vương thấy giặc đến chân thành nhưng vẫn chủ quan vì nghĩ rằng đã có nỏ thần. Nỏ thần không phát huy tác dụng, thua trận, An Dương Vương cưỡi ngựa đem theo Mị Châu đi về phía biển. Nhưng đi đến đâu thì thấy quân giặc theo đến đấy. Thần Kim Quy hiện lên nói rằng kẻ thù ở ngay bên cạnh. An Dương Vương bèn rút kiếm ra chém chết Mị Châu rồi nhảy xuống biển tự vẫn. Trọng Thủy nghe tin vì quá hối hận mà nhảy xuống giếng tự vẫn. Ngày nay, giếng ấy được gọi là giếng Trọng Thủy. Tục truyền lại Mị Châu khi chết, máu chảy xuống biển, trai ăn được mới có ngọc châu. Đem ngọc về rửa nước giếng thì thấy sáng lạ lùng.
Ta là An Dương Vương, là người lãnh đạo của nhà nước Âu Lạc cổ xưa. Sau đây, ta xin kể về câu chuyện về cuộc đời ta cho mọi người nghe. Từ xa xưa lâu lắm rồi, ta thành lập nên nhà nước của riêng người dân phương Nam này. Do nhà nước còn non trẻ, lực lượng còn yếu nên ta quyết tâm xây dựng một ngôi thành thật vững chắc để dân chúng được an cư lạc nghiệp, giao thương buôn bán được tự do và xây dựng nền móng cho sự phát triển lâu dài của đất nước. Thế nhưng, việc xây dựng thành không dễ dàng như thế. Thành cứ xây đến đâu thì bị đổ tới đó, ta đã trăn trở nhiều ngày liền. Bỗng đến một hôm, ta được một vị thần báo mộng và nhận được sự giúp đỡ của thần Kim Quy ở biển để xây dựng thành. Sau khi xây dựng thành được rồi, ta còn được Thần trao tặng cho một chiếc móng thần để làm nên chiếc nỏ thần. Nó chính là vũ khí tối thượng, là bí mật quân sự, là thần hộ mệnh của nước Âu Lạc ta. Nhờ có nó, ta mới có thể bảo vệ nhà nước non trẻ của mình trước sự xâm lược của quân phương Bắc do Triệu Đà cầm đầu. Mãi sau này, ta mới hiểu rằng, hắn ta đã giở một thủ đoạn đê hèn. Đó là hắn đã cử con trai hắn là Trọng Thủy sang để giả vờ cầu hòa và hỏi cưới con gái ta là Mị Châu để hai nước kết giao, chung sống hòa bình. Ta đã tin tưởng hắn thực sự mong muốn hòa bình. Thế rồi, đứa con gái của ta đã cả tin ngây thơ nghe theo lời của tên gián điệp Trọng Thủy để phản bội lại nước nhà, đánh tráo nỏ thần. Lấy được nỏ thần rồi, Triệu Đà ngay lập tức đem quân sang xâm chiếm nước ta. Ta vì chủ quan, không hề hay biết nỏ thần đã bị đánh tráo nên hoàn toàn không chịu đem quân phòng bị. Cuối cùng ta mất nước, ta cùng con gái chạy ra bờ biển thì thần Kim Quy đã nói sự thật. Ta khi hiểu ra tất cả đã vô cùng tức giận, đau lòng tột cùng và chém chết con gái yêu quý của mình vì tội danh nghịch phản. Sau đó, ta đã cùng thần Kim Quy lặn xuống biển mãi mãi.
Các chi tiết liên quan đến nhân vật An Dương Vương:
+ An Dương Vương xây thành nhiều lần nhưng đều bị lở.
+ Vua được thần Kim Quy giúp xây thành và cho vuốt để làm lẫy chế nỏ thần.
+ Nhờ nỏ thần, vua đánh thắng Triệu Đà lần thứ nhất.
+ Vua chủ quan khi Triệu Đà đem quân đánh lần thứ hai
+ Vua mang con bỏ chạy, nhờ thần Kim Quy cứu và chém chết Mị Châu.
a) -Do sớm có ý thức giữ gìn đất nước, lo xây thành để chống giặc ngoại xâm mà An Dương Vương được thần linh giúp đỡ.
- Kể về sự giúp đỡ thần kì đó, dân gian muốn thể hiện cách đánh giá về nhà vua: biết ơn, ca ngợi công lao xây thành, chế nỏ để chống giặc giữ nước.
b) Sự mất cảnh giác của nhà vua được biểu hiện qua các chi tiết:
- Vua đồng ý lời cầu hôn, gả con gái Mị Châu cho con trai Đà là Trọng Thủy, lại cho Thủy ở rể. ⇒ Vua mơ hồ trước âm mưu muốn xâm chiếm Âu Lạc một lần nữa của kẻ thù.
- Khi Triệu Đà đem quân đánh lần thứ hai, vua không kiểm tra lại vũ khí để đến khi quân giặc kéo sát thành, phải mang Mị Châu bỏ chạy. ⇒ Vua chủ quan khinh địch, không có cái nhìn sáng suốt với tình thế.
c) Qua các chi tiết sáng tạo, nhân dân muốn biểu lộ thái độ, tình cảm:
+ Chi tiết vua nghe theo lời kết án của thần Kim Quy, rút gươm chém Mị Châu: gửi gắm lòng kính trọng đối với vị vua anh hùng, dám hy sinh tình cảm cha con thiêng liêng để giữ tròn bổn phận với đất nước.
+ Các chi tiết liên quan đến Mị Châu:
Phê phán thái độ mất cảnh giác, quá xem trọng tình cảm cá nhân của Mị Châu.
Giải thích nguyên nhân, xoa dịu nỗi đau mất nước một cách nhẹ nhàng.
Bài học lịch sử:
- Tinh thần cảnh giác thường trực trước âm mưu đen tối nhâm hiểm của kẻ thù xâm lược.
- Trách nhiệm của người lãnh đạo đứng đầu quốc gia.
- Bài học về mối quan hệ riêng – chung, nhà – nước của mỗi người dân với vận mệnh tổ quốc.
a. An Dương Vương xây thành cổ Loa nhiều lần nhưng đắp tới đâu thì lại lở tới đấy. Nhà vua được thần linh giúp đỡ đã xây xong thành.
Kể về sự giúp đỡ thần kì đó, dân gian muốn khẳng định An Dương Vương là vị vua có tinh thần yêu nước, bảo vệ đất nước.
b. Sự mất cảnh giác của nhà vua biểu hiện bản chất như thế nào?
Sự mất cảnh giác vì nhà vua không phát hiện bản chất của Triệu Đà. Triệu Đà không chỉ muốn thôn tính Âu Lạc mà còn cho Trọng Thủy cầu hôn Mị Châu để biến người Âu Lạc thành người phương Bắc.
Trọng Thủy đã lừa Mị Châu, xem trộm nỏ thần và đã tìm cách đánh tráo lẫy nỏ, Mị Châu đã tiết lộ bí mật quốc gia để Trọng Thủy biết được vũ khí lợi hại của đất nước.
Khi Triệu Đà sang xâm lược, An Dương Vương cậy có nỏ thần, vẫn điềm nhiên đánh cờ, cười mà nói rằng: Đà không sợ nỏ thần sao?. Chứng tỏ nhà vua chủ quan không biết rằng việc bảo vệ đất nước phải luôn luôn cảnh giác với kẻ thù mọi nơi, mọi lúc. Vì vậy đất nước phút chốc rơi vào bi kịch nước mất, nhà tan.
Đây là bài học thời sự trong việc bảo vệ đất nước.
c. Sáng tạo những chi tiết về Rùa Vàng, Mị Châu, nhà vua tự tay chém đầu con gái, nhân dân ta muốn biểu lộ thái độ công bằng trước lịch sử. Rùa Vàng - biểu tượng dân tộc - giúp nhà vua xây thành, chế nỏ là trí tuệ, sức sáng tạo, công sức bền bỉ của cha ông ta trong sự nghiệp xây dựng bảo vệ đất nước. Rùa Vàng gọi Mị Châu là giặc vì chính nàng là người có Trái tim nhầm chỗ để trên đầu nên phải chịu nhận cái chết do chính cha mình với tư cách người đứng đầu quốc gia trừng phạt. Cũng chứng tỏ thái độ không khoan nhượng của nhân dân đối với bất kì hành động nào làm tổn hại đến lợi ích quốc gia.
Việc mất nước Âu Lạc, người chịu trách nhiệm chính là An Dương Vương. Ông vua tuy có công xây dựng, bảo vệ đất nước nhưng đã chủ quan, mất cảnh giác xem thường kẻ địch dẫn đến bi kịch quốc gia, gia đình, cá nhân. Thảm họa xảy ra, An Dương Vương đã đặt việc nước lên trên việc nhà, quan hệ vua
- tôi trên quan hệ cha con (chém chết Mị Châu). Rùa Vàng dẫn lối cho nhà vua xuống biển, không để ông chết, không cho quân thù lấy được xác vua. Chi tiết này thể hiện lòng tự tôn dân tộc. Thể hiện sự cảm thông, kính trọng của nhân dân đối với An Dương Vương, dẫu ông có tội lớn - để mất nước. Đó cũng là sự phán xét công bằng của cha ông ta.
- Luôn nêu cao tinh thần cảnh giác trước âm mưu kẻ thù.
- Luôn củng cố sức mạnh của dân tộc, không ỷ vào thành cao hào sâu vũ khí sắc bén mà chủ quan, khinh địch, lơ là cảnh giác.
- Giải quyết đúng đắn mối quan hệ giữa gia đình với quốc gia, dân tộc, cá nhân với tập thể.
Tham khảo:
Ở Hà Nội có lưu giữ một quần thể di tích lịch sử văn hóa gồm đền thờ An Dương Vương, am thờ công chúa Mị Châu và giếng Ngọc. Gây dựng nên từ lịch sử là truyền thuyết An Dương Vương và Mị Châu- Trọng Thủy kể về quá trình An Dương Vương xây thành và chế tạo nỏ thần thành công nhờ sự giúp đỡ của Rùa Vàng, hai là kể về nguyên nhân khiến cơ đồ nhà nước Âu Lạc “đắm biển sâu” liên quan đến mối tình Mị Châu- Trọng Thủy. Trước tấn bi kịch đó là do sự lơ là cảnh giác của An Dương Vương và sự nhẹ dạ cả tin của Mị Châu trong việc giải quyết mối quan hệ quyền lợi dân tộc, đất nước với hạnh phúc cá nhân riêng tư. Hình ảnh nhân vật Mị Châu vừa cảm thấy đáng thương vừa đáng trách.
Bằng việc lấy chi tiết, nhân vật, sự kiện liên quan đến lịch sử kết hợp với yếu tố hư cấu làm nên thể loại truyền thuyết. Truyền thuyết An Dương Vương và Mị Châu- Trọng Thủy đã khắc họa lại việc xây thành Cổ Loa của An Dương Vương, chế tạo nỏ thần và đánh thắng quân xâm lược. Vì sự chủ quan của An Dương Vương cũng như âm mưu gả con trai cho công chúa Mị Châu làm gián điệp âm mưu cướp nỏ thần đã dẫn đến việc nước Âu Lạc bị sụp đổ. Hình ảnh “ngọc trai- giếng nước” tượng trưng cho tấm lòng trong sạch của nàng Mị Châu.
Xét về việc Mị Châu là một người vợ, nàng đã hoàn thành bổn phận, nàng đã trao cả tình yêu, cả giang sơn đất nước cho người chồng của mình. Nàng đã dâng hiến hết mình cho Trọng Thủy dù cho chàng lừa dối nàng. Người xưa có câu: “Xuất giá tòng phu, phu tử tòng tử”, đó là đúng đạo nghĩa của một người phụ nữ thời phong kiến. Cũng chính vì như thế, mà Mị Châu đáng thương hơn bao giờ hết, việc hôn nhân của nàng không thể tự mình quyết định, việc lấy Trọng Thủy đã được vua cha sắp đặt. Nàng theo chồng nàng đó là đạo nghĩa vợ chồng. Và với sự ngây thơ, trong sáng của mình, nàng hết lòng yêu chồng, tin tưởng chồng mới cho Trọng Thủy xem nỏ thần và tạo cơ hội cho hắn lấy cắp nỏ thần. Cuối cùng, trong tình yêu và đạo nghĩa làm vợ, nàng đã làm tròn bổn phận của mình.
Xét về đạo nghĩa với đất nước thì nàng sai hoàn toàn, khi nàng đã tiếp tay cho kẻ thủ thực hiện âm mưu cướp nỏ thần, là người tiếp tay cho giặc đầy cha mình vào đường cùng, đẩy đất nước Âu Lạc xuống biển sâu. Nàng mang trong mình trọng tội với đất nước. Nàng yêu người đàn ông ấy một cách mù quáng, cho hắn xem nỏ thần và tạo cơ hội cho Trọng Thủy lấy cắp nó, không những vậy còn rắc lông ngỗng chỉ đường làm dấu cho kẻ thù tìm thấy mình và cha, đẩy cha mình vào đường cùng không lối thoát. Cuối cùng, trước sự mê muội, mù quáng của Mị Châu, An Dương Vương đã tuốt kiếm chém chết Mị Châu. Hành động đó như chính là sự trừng phạt nghiêm khắc lên kẻ mù quáng tiếp tay cho giặc, đó là sự răn đe, một bài học lịch sử cho con cháu sau này.
Nhân dân ta vẫn bày tỏ một tấm lòng nhân từ trước sự trong sáng của nàng mà thêm chi tiết ngọc trai- giếng nước. Hình ảnh đó như chứng minh cho lời khấn trước khi chết của nàng “Thiếp là phận gái, nếu có lòng phản nghịch mưu hại cha, chết đi sẽ biến thành cát bụi. Nếu một lòng trung hiếu mà bị người lừa dối thì chết đi sẽ biến thành châu ngọc để rửa sạch mối nhục thù”. Đó chính là niềm tiếc thương cho thân phận Mị Châu, một nàng công chúa với số phận bi đát, tội nghiệp.
Suy cho cùng, nhân vật Mị Châu đã để lại trong lòng người đọc nhiều trăn trở. Nàng thật đáng thương khi tình yêu trong sáng bị lừa dối, phản bội nhưng cũng thật đáng trách khi quá mù quáng trao hết lòng tin cho kẻ thù. Như có người đã khẳng định: "Phút sai lầm của một người, dân tộc phải trả giá bằng ngàn năm nô lệ. Tội đó của Mị Châu không thể dung tha." Cuộc đời của Mị Châu như một bài học quý báu của chúng ta về việc xem nhẹ lợi ích của quốc gia mà tin vào tình yêu một cách mù quáng.