Hãy nhập câu hỏi của bạn vào đây, nếu là tài khoản VIP, bạn sẽ được ưu tiên trả lời.
Tham khảo :3
Tình bạn là một thứ tình cảm vô cùng thiêng liêng, không kém phần diệu kì, trong cuộc sống không thể thiếu đi những người bạn, những người tuy xa lạ về huyết thống nhưng lại có những tương đồng về tính cách, về sở thích và lí tưởng… đó là những người bạn đồng hành cùng ta trên suốt quãng đường đời, là người sẻ chia, người dang tay giúp đỡ, ngồi bên lắng nghe mỗi khi ta có tâm sự. Cuộc sống đẹp hơn, ý nghĩa hơn khi có những người bạn.
Trước đây, em không có những định nghĩa cụ thể nào về khái niệm tình bạn, tình bạn lúc ấy đối với em mà nói đơn giản chỉ là những người cùng học, cùng chơi, cùng trò chuyện. Nhưng khi đã trưởng thành hơn thì em bống hiểu ra sự thiêng liêng của khái niệm tình bạn, bởi tình bạn không chỉ đơn giản là một mối quan hệ xã hội giữa người với người mà đó còn là sợi dây gắn kết tình cảm, gắn bó những con người xa lạ trở nên thân thiết, thắt chặt mối đồng cảm, thương yêu giữa những con người ấy khiến cho mọi hành động quan tâm, chia sẻ đều trở nên chân thành và tự nhiên nhất.
Trong cuộc sống, ai cũng cần có những người bạn, đó là người bạn đồng hành, cũng là người tiếp cho ta những đông lực sống, động lực phấn đấu mỗi khi ta yếu đuối, gục ngã. Bạn bè là điều kì diệu tự nhiên nhất trong cuộc sống của con người, có được những người bạn là điều may mắn. Tìm được những người bạn hiểu mình thì đó là một điều diệu kì, đáng được trân trọng. Em cũng may mắn tìm được cho một người bạn thân thiết, người mà em có thể yên tâm dãi bày, sẻ chia mỗi khi có chuyện buồn trong học tập hay trong cuộc sống, người em có thể dựa vào khi em chán nản, gục ngã.
Người bạn mà em muốn nói đến, đó chính là Phương Anh- người bạn thân thiết nhất của em trong suốt những năm học cấp một cũng như cấp hai. Em và Phương Anh quen nhau khi vừa là những học sinh ngơ ngác bước chân vào lớp một. Em vẫn còn nhớ rất rõ lần gặp mặt đầu tiên ấy, đó là vào ngày khai giảng đầu tiên của đời học sinh, chúng em lúc ấy còn là những cô cậu học trò nhỏ rụt rè, tò mò về môi trường học tập mới nhưng cũng lo lắng, sợ hãi với những thứ quá sức mới lạ.
Em và Phương Anh được cô giáo chủ nhiệm xếp ngồi cùng một bàn học, chúng em lúc ấy chưa hề quen biết nhau nên cả hai đều khá ngượng ngùng, rất khó mở lời làm quen. Nhưng có vẻ Phương Anh là người nhút nhát hơn em, nên em đã mở lời làm quen trước:
“ Chào cậu, tớ tên là Hương Quỳnh, cậu tên là gì thế?” Lúc ấy có lẽ vì bất ngờ nên khuôn mặt nhỏ nhắn của Phương Anh đỏ bừng lên, bạn quay ra nhìn em ấp úng nói vô cùng dễ thương:
“Tớ tên là Phương Anh…cậu” Có vẻ Phương Anh muốn nói gì thêm nữa nhưng vì ngượng ngùng nên mãi không thốt thành câu. Em bèn chủ động nói trước:
“Tên của cậu hay thật, chúng mình làm bạn được không?” Phương Anh lúc ấy đã cười rất vui vẻ, nụ cười của Phương Anh rạng rỡ như thiên thần vậy, bạn đã hết ngượng ngập mà vội vàng gật đầu vô cùng dễ thương.
Từ ấy em và Phương Anh trở thành những người bạn thân, chúng em cùng giúp đỡ nhau trong học tập cũng như sinh hoạt trong trường, dù có bất cứ những khó khăn cũng như những niềm vui gì trong học tập thì chúng em cũng đều chia sẻ cho nhau. Những câu chuyện dù không đầu không đuôi nhưng mỗi khi người kia kể thì người còn lại sẽ chú tâm lắng nghe, có lẽ sau những lần tâm sự như vậy, chúng em trở nên thân thiết hơn, thấu hiểu nhau hơn, đôi khi chỉ cần một ánh mắt thôi thì chúng em đã có thể hiểu đối phương muốn nói gì.
Phương Anh là một người hiền lành, nhân hậu, chúng em tuy là những người bạn thân thiết, nhưng không phải vì vậy mà chúng em có thể hiểu nhau hoàn toàn, có những lúc chúng em bất đồng ý kiến, có những cãi vã, giận hờn. Em cảm thấy có lỗi bởi mỗi lần cãi vã rồi giận dỗi như vậy thì người chủ động giảng hòa luôn là Phương Anh. Chúng em giận nhưng không được bao lâu thì cả hai đều được giải tỏa nhưng để mở miệng nói lời xin lỗi trước thì không phải ai cũng có thể, đây cũng là điều em rất ngưỡng mộ ở Phương Anh, bạn luôn vì người khác, chủ động giảng hòa mặc dù bạn không hề sai, cũng không kể đến sự nhút nhát của mình.
Em cảm thấy thật may mắn khi có một người bạn như Phương Anh, đó là một người bạn tuyệt vời, người mà em tuyệt đối tin tưởng khi sẻ chia những niềm vui nỗi buồn trong cuộc sống, người luôn ở bên tiếp cho em nguồn động lực để em vượt qua mọi khó khăn, gian khổ. Thế mới có thể thấy được tình bạn thật thiêng liêng biết bao, tình bạn có thể tạo ra sức mạnh, tạo nên những kì tích cho con người. Có những câu thơ mà em rất ấn tượng về tình bạn như:
“Tình bạn là lá là hoa
Tình bạn là cả bài ca trên đời
Tình bạn tróng sáng tuyệt vời
Đẹp hơn tất cả bầu trời ban đêm”
ĐỀ 1:
Sáng nay, vẫn trên con đường quen thuộc, tôi dạo bước đến trường. Những ánh nắng bình minh chan hoà, phủ lên mọi vật và dường như những hạt sương đêm đọng lại trên thảm cỏ cũng ánh lên sắc cầu vồng. Lòng tôi man mác nghĩ về những kỉ niệm xưa của tôi với bạn. Và thật đáng trân trọng, nâng niu những khoảnh khắc thiêng liêng ấy.
Tôi nhớ như in cái ngày tôi mới chuyển về trường mới, cảm giác thật cô đơn và lạc lõng. Hàng ngày tôi không biết làm gì hơn ngoài việc gắn bó với những cuốn sách và thi thoảng có những mẩu truyện vui làm tôi cười thầm. Chính lúc đó bạn nhẹ nhàng đến bên tôi như một thiên thần. Bạn chủ động tách mình ra khỏi tập thể lớp và kết bạn với một “con mọt sách” như tôi. Bạn nhìn tôi cười ấm áp, dịu hiền và mọi cảm giác lạc lõng, cô đơn trong lòng tôi cũng dần biến mất.
Tôi đã xúc động khi thấy bạn đứng dậy, che chở cho tôi trước những trò đùa quá đáng của một vài học sinh cá biệt trong lớp. Giữa bạn bè cùng trang lứa thì tôi có phần nhỉnh hơn một chút, dáng tôi cao, người mập mạp. Chính vì thế nên họ đã cho tôi một biệt danh chế giễu : “Chị béo”. Lên lớp đối với tôi lúc ấy chẳng khác nào một cơn ác mộng. Họ viết lên bảng, lên ghế, lên bàn của tôi và thật tệ hại hơn nữa là khi tôi lên bảng trả lời câu hỏi của cô giáo, các bạn ấy xướng lên từ ngữ đó đầy vẻ khiêu khích. Đã có lần tôi ức, giận dỗi đến phát khóc và lấy cớ nghỉ học đến mấy ngày. Bạn lo lắng, sốt sắng đến thăm tôi, say sưa giảng bài và giúp tôi một số việc vặt trong gia đình. Bạn khuyên tôi nên đi học trở lại và hãy để ngoài tai những câu nói đó. Sáng hôm sau, tôi với bạn cùng sánh vai đến lớp. Bạn đã mắng các cậu học sinh ấy và thưa việc đó với cô giáo chủ nhiệm. Kết quả là họ bị viết bản kiểm điểm và bị đình chỉ học tập đến ba ngày. Bạn đã mang lại sự tự tin cho tôi, giúp tôi xoá bỏ mặc cảm để học tập tốt. Bạn đã cùng tôi san sẻ mọi nỗi nhớ nhà, nhớ mẹ trong những ngày đầu đi học, bạn còn động viên tôi tiến bộ nhiều. Lúc ấy bạn chẳng khác gì người chị thứ hai của tôi, luôn chăm sóc và dạy dỗ các em mình chu đáo. Bạn đã nói với tôi rằng chính mình phải tự tin vào mình, phải khẳng định mình ở chốn này, phải cho mọi người thấy rằng tôi không hề kém cỏi hay thua bất kì ai để xứng đáng với những giọt mồ hôi mà cha mẹ tôi đã đổ trên ruộng đồng mỗi trưa hè đổ lửa. Rồi tôi cũng làm theo như bạn nói và khi tôi được điểm tốt tôi lại nhớ đến bạn và biết ơn bạn nhiều.
Bạn đã kể với tôi nhiều lắm. Có lẽ câu nói đáng yêu nhất của bạn chính là bạn rất thích mùa xuân. Phải đấy, cứ mỗi một mùa xuân về chúng ta lại được thêm một tuổi mới và những bao lì xì thật hay. Không những vậy, mùa xuân có những cơn mưa phùn giăng giăng khắp đất trời. Vào những buổi sáng sớm, bạn chạy đến rủ tôi đi dạo. Làn gió xuân khẽ lùa vào mái tóc, những giọt sương mát lạnh và cả những chiếc lá phượng tinh nghịch nằm lên những lọn tóc mỏng. Tôi thích cảm giác ấy nhất, lúc đó tôi cảm thấy cuộc sống thật tuyệt vời, đáng yêu làm sao. Hay vào những buổi trưa hè đổ lửa, bạn và tôi cùng đi chung một chiếc ô nhỏ. Tôi chợt nghĩ rằng: bạn thực sự là một phần trong trái tim tôi, là người quan trọng nhất của tôi đấy.
Bạn là một cô bé rộng lòng bao dung và biết chia sẻ. Tôi kể cho bạn nghe câu chuyện về quê tôi. Đó là một miền quê nghèo, đất đai khô cằn cùng với ánh nắng đổ lửa như thiêu đốt những đụn cát sa mạc. Những đứa trẻ nhỏ hơn chúng mình phải đi bán bánh mì trong những đêm đông giá lạnh mà người phong phanh một tấm áo khoác mỏng, hay chúng phải nghỉ học ở nhà để phụ giúp bố mẹ và bươn trải kiếm sống. Tôi chợt nhìn thấy khoé mắt bạn cay cay và những giọt nước mắt chan hoà trên má bạn. Rồi bạn kể cho tôi nghe về gia đình bạn. Bố mẹ bạn đều là những thương nhân giàu có, đi công tác suốt. Bạn phải ở trong một ngôi nhà lạnh lẽo thiếu tình thương cùng với vài người giúp việc. Bạn bảo rằng những lúc ấy bạn rất cô đơn và buồn chán nên bạn rất hiểu tâm trạng của tôi những ngày đầu xa nhà, học ở một ngôi trường mới như này. Bạn đã gục đầu vào vai tôi mà khóc oà lên. Bạn thân ơi hãy khóc đi, khóc nhiều vào nếu nước mắt có thể làm vơi nỗi buồn trong lòng bạn. Bạn thân ơi, bạn có nhớ những hàng rào nhỏ xinh bên cạnh vườn táo của chúng mình, nơi in dấu những kỉ niệm giận hờn vu vơ? Và tôi thấy thật có lỗi với bạn. Buổi chiều hôm ấy, những ánh nắng vàng vọt chiếu mỏi mắt. Tôi kiên nhẫn đứng đợi bạn bên vườn. Tôi đợi mãi, đợi mãi mà chẳng thấy bạn đâu. Đó là lần đầu tiên bạn trễ hẹn, tôi cảm thấy mình không được tôn trọng và tôi đã rất tức giận. Tôi bỏ về một mình rồi nằm lên giường khóc. Cậu mợ gọi xuống ăn cơm, tôi không chịu. Ai dỗ kiểu gì tôi cũng khước từ. Tôi cứ nằm khóc như thế và ngủ quên lúc nào không hay. Sáng hôm sau, tôi mở cửa hít thở bầu không khí trong lành. Đến cửa lớp, bạn lại tươi cười đến bên tôi, lại lân la kể chuyện như bao hôm khác. Tôi lạnh lùng không nói một câu và lặng lẽ ngồi vào chỗ của mình. Tôi thấy mình như bị tổn thương. Tôi đã nghĩ rằng sáng nay đến bạn sẽ giải thích mọi chuyện cho tôi nhưng hình như bạn lảng tránh. Bạn thân yêu ơi, tình bạn của chúng mình đã sứt mẻ rồi hay sao? Bao nhiêu kỉ niệm buồn vui chúng ta đều san sẻ, sao bạn lại nỡ… Từ hôm đó, tôi chủ động chấm dứt tình bạn mà tôi cho là gian dối này. Chắc là mỗi đêm bạn đều khóc bởi vì tôi thấy sắc mặt bạn xấu đi nhiều và đôi mắt thâm quầng. Nhưng điều đó không hề làm rung động lòng tôi vì khi ấy mọi kí ức về bạn đã bị tôi xoá sổ. Nghĩ lại lúc ấy, tôi thấy mình thật đáng trách. Đến gần cuối học kì II, bạn đến bên tôi và nói rằng bạn sẽ theo cha mẹ về quê. Tôi sững sờ nhìn bạn, bối rối không biết nói sao cho đúng. Tan học, tôi kéo bạn ra ngoài cổng và xin lỗi bạn. Hai đứa ôm nhau mà khóc đến quên cả giờ. Cuối cùng ngày ấy cũng đã đến, hai đứa tiễn nhau, ngậm ngùi dặn dò nhau từng thứ một. Bạn thân ơi, dù bạn ở nơi đâu tôi vẫn luôn nhớ bạn, hãy bảo trọng nhé!
Đó là một câu chuyện về tình bạn mà tôi mãi mãi không bao giờ quên. Hôm nay là sinh nhật bạn. Tôi ngồi đây, cầm nến và hát bài sinh nhật. Tôi chúc bạn luôn luôn khoẻ mạnh và học giỏi.
Sau khi trải qua một năm học dài nhiều niềm vui nhưng cũng đầy những căng thẳng, mệt mỏi. Chúng em đã chính thức bước vào kì nghỉ hè đầy niềm vui và sự lí thú. Như thông lệ, cứ mỗi khi kết thúc một năm học, vào dịp nghỉ hè thì bố em sẽ đưa em và cả gia đình về quê thăm ông bà và các bác. Đây cũng là điều em mong chờ nhất trong kì nghỉ hè này, vì cũng đã rất lâu rồi, từ dịp Tết nguyên đán thì em mới có dịp về thăm quê, thăm ông bà. Vì vậy mà em cũng rất háo hức, kì vọng ở chuyến đi này.
Vì đã thông báo trước cho ông bà nên khi xe của gia đình em vừa đến con đê đầu làng thì ông của em đã đứng ở gốc cây đa chờ từ bao giờ. Khi xuống xe, hít thở những luồng không khí trong lành và ngắm nhìn cảnh vật quê hương đẹp đẽ mà vô cùng quen thuộc thì em rất vui, muốn chạy thật nhanh về nhà của ông bà. Vì vậy mà khi em nhìn thấy ông nội của em đang đứng đợi gia đình em ở quán nước gần gốc đa thì em đã rất bất ngờ, hạnh phúc nữa. Em đã vẫy tay và gọi ông thật to, sau đó thì vội vàng chạy mà sà vào lòng ông. Cảm giác ấm áp khi nằm trong vòng tay ông thật quen thuộc, em đã luôn tưởng tượng ra cảnh này trong suốt quãng đường đi, để bây giờ trở thành hiện thực thì em rất xúc động, sống mũi đã bắt đầu cay cay.
Ông ôm em vào lòng mà vỗ về, cảm giác này thật thân thương quá. Sau khi đã bình tĩnh hơn được một chút thì gia đình em cùng ông đi bộ về nhà, trên đường đi lúc nào em cũng nắm chặt tay ông, bàn tay ông cũng vô cùng ấm áp, khi em nắm tay ông thì có cảm giác rất an toàn và an tâm. Đã lâu không về quê nhưng người dân quê em vẫn không có gì thay đổi, vẫn hồn hậu, chất phác, thân thiện và gắn bó như vậy, trên suốt quãng đường đi mọi người rất nhiệt tình chào hỏi và bắt chuyện hỏi han tình tình của bố mẹ em thời gian qua. Sự nhiệt tình, ấp áp của tình cảm hàng xóm, láng giềng này cũng vô cùng khác lạ so với không khí xã giao nơi thành phố.
1,Tuổi thơ của tôi gắn liền với thành phố sầm uất, với những khu nhà cao tầng và những con đường nườm nượp người qua lại. Vì thế, mỗi lần nghỉ hè được về quê với tôi thật hạnh phúc. Năm ngoái, tôi được học sinh giỏi nên bố mẹ cho về quê chơi một tháng với ông bà.
Đường về quê xa lắc, xa lơ. Tôi nhớ mãi câu nói ấy của Dế Mèn khi trở về nhà thăm mẹ và các anh. Mèn đã không quản ngại khó khăn mà thấy vui khi được trở về với quê hương của mình. Tôi lúc này cũng hăng hái như chàng Mèn vậy. Dù đi xa nhưng tôi cũng không thấy mệt, chỉ thấy háo hức mà thôi.
Về quê, tôi được sống trong một không gian trong lành, sảng khoái, khác hẳn nơi phố phường chật hẹp. Tôi về thăm, ông bà vui lắm. Ông bà rất thương tôi, đứa cháu nhỏ xa xôi không thường xuyên chăm sóc. Vì thế, tôi được ông bà rất cưng chiều. Ở quê không chỉ có ông bà tôi mà còn rất nhiều các chú, các cô của tôi nữa. Vừa về nhà, mấy đứa em họ tôi chạy sang kéo đi chơi. Đến đâu chúng nó cũng nhanh nhảu giới thiệu tôi là con gái bác ở ngoài Hà Nội làm tôi ngượng lắm. Tôi đến nhà các chú, các cô chào mọi người, ai cũng khen tôi lớn hơn trước và xinh xắn hơn. Những người dân quê thật thà lắm, sống giản dị và rất chân thành.
Những ngày ở quê, ngày nào tôi cũng được các em lập cho một kế hoạch hấp dẫn. Sáng sáng, tôi cùng các em đi cất vó tôm. Những con tôm trong chiếc giỏ nhảy lách tách. Buổi trưa trốn ngủ, chúng tôi vào vườn chơi, chơi ô ăn quan, chơi chuyền hay trốn tìm. Chiều đến, tôi cùng các em ra bờ đê lộng gió. Chiều, gió thổi mát rượi. Mấy chú trâu, chú bò nhởn nhơ gặm cỏ. Cảnh vật thanh bình biết bao. Chúng tôi cùng tổ chức thi thả diều. Những con diều nhiều màu sắc bay liệng trên không trung, chao đi chao lại thật thích. Tôi ước mình như con diều kia để có thể bay về quê nhà bất cứ lúc nào. Bên cạnh, diều của các bạn cũng bay cao không kém. Các bạn ấy còn hướng dẫn tôi cách làm diều nữa. Tuy đơn giản thôi nhưng rất cần kiên trì, chịu khó.
Tôi nhớ nhất là những hôm mưa được nghịch nước. Hôm đó, có cơn mưa rào rất to, kéo dài suốt mấy giờ đồng hồ. Bọn trẻ con trong xóm thấy mưa chạy ra lội bì bõm. Tôi ở trong nhà nhìn mưa, thấy như một tấm màn trắng giăng khắp không gian. Tạnh mưa, chúng tôi chạy ngay ra đồng bắt tôm, bắt tép. Nhưng muốn sang bên đồng phải đi qua cây cầu nhỏ. Tôi vốn không quen nên sợ chẳng dám bước qua. Bạn bè cổ vũ mãi, tôi liều lĩnh bước đi. Bỗng “ùm”, tôi sảy chân ngã nhào xuống con kênh phía dưới. Bọn trẻ kéo tôi lên. Chúng nó cười ầm ĩ. Mặc cho áo quần ướt, tôi cùng chúng rong ruổi khắp cánh đồng. Đâu đâu cũng xúc được tôm tép. Cảm giác lần đầu bắt được những con cá, con cua nhỏ xíu tôi rất vui sướng, như chính mình là người lao động thực thụ. Bỗng “oạch”, tôi lại bị ngã. Do đường đất trơn quá mà tôi lại bị té. Lũ trẻ con lại khúc khích cười. Chúng nói rằng, đây mới chính là con ếch to nhất của buổi đi “săn” này. Còn tôi, quần áo lấm lem, ngượng chín mặt...
Một tháng hè trôi qua thật nhanh chóng. Đã đến lúc tôi phải trở về thành phố, lại học thêm văn toán và âm nhạc... Bố mẹ về đón mà tự dưng tôi không muốn đi nữa, thấy nuối tiếc một cái gì, như khi phải xa một thứ mình yêu quí... Các cô, các chú tôi gửi cho bao nhiêu là quà. Các em tôi đứa nào cũng nắm tay giữ lại, những bạn hàng xóm cũng sang chia tay. Chúng còn tặng tôi rất nhiều quà nữa. Những món quà ấy tôi vẫn giữ đến tận bây giờ.
“Quê hương là chùm khế ngọt, cho con trèo hái mỗi ngày....” Những câu thơ thân thương ấy mỗi lần vang lên tôi lại thấy nhớ ông bà, nhớ lần về quê với bao kỉ niệm. Và lúc đó, tôi ước mình là một cánh diều để bay ngay về với quê hương.
Đề 1 :
1. Phần Mở bài
- Em được sinh ra và lớn lên tại một vùng quê thuộc đồng bằng Bắc Bộ.
- Em được ra thăm thành phố Hà Nội 2 lần: khi em lên ba tuổi và khi em học xong lớp 5.
- Chuyến thăm thành phố năm em lên ba, em chẳng nhớ được gì. Chỉ có chuyến ra Hà Nội khi em học hết lớp 5 là em còn nhớ rõ.
- Đó quả thực là một chuyên đi tuyệt vời đối với em.
2. Phần Thân bài
a). Lí do dược ra thăm Hà Nội
- Khi em lên lớp 5, bố mẹ em hứa với em là nếu cuối năm đạt danh hiệu học sinh Giỏi thì bố mẹ sẽ thưởng cho em một chuyến đi du lịch tại Hà Nội.
- Em đã nhận giấy khen và phần thưởng về đưa cho bố mẹ. Giữ lời hứa, bố em cho em đi Hà Nội du lịch.
b). Những ngày ở thành phố Hà Nội
- Bố em lên lịch cụ thể cho những ngày ở Hà Nội: thăm tất cả cảnh đẹp ở thủ đô và trọng tâm là đi viếng lăng Bác.
- Lâu nay, em chỉ được biết Hà Nội qua những bài tập đọc, qua lời giảng bài của cô. Còn trong chuyến đi đó, em được thấy vẻ đẹp thực cùa thành phố vào tất cả thời gian trong ngày: sáng, trưa, chiều, tối.
- Có thể nói, vào bất cứ thời gian nào trong ngày thì Hà Nội đều có nét đẹp rất riêng.
- Bố em thuê khách sạn gần hồ Hoàn Kiếm nên cũng thuận tiện cho việc đi lại tham quan.
- Buổi sáng sớm, đứng trên sân thượng ngắm nhìn thành phố thật không gì thú vị hơn. Hồ hiện lên mờ mờ trong hơi sương. Hàng liễu xung quanh bờ buông rũ lá trông như những chiếc khăn voan trắng, mỏng và dài. cầu Thê Húc cong cong hình con tôm nối liền bờ với ngôi đền nằm giữa những cây si già. Xa xa, Tháp Rùa mờ mờ hiện lên trong sương sớm...
- Xung quanh bờ hồ, mọi người đang tập thể dục rất đông.
- Trên đường, đã có nhiều người và xe qua lại. Tiếng rao của những người bán hàng ăn sáng vọng tới tận sân thượng.
- Buối sáng ở thành phố rất khác với ở quê em. Ở thành phố, mọi người được đánh thức bởi tiếng xe, tiếng người rao bán hàng. Còn ở quê em, tiếng gà gáy chính là chiếc đồng hồ báo thức. Tiếng gà râm ran khắp xóm thôn giục mọi người nhanh nhanh thức dậy chuẩn bị cho một ngày lao động mới.
- Lâu nay ở quê, em quen nhìn cánh đồng lúa, vườn cây, ao cá. Nay ra thành phố, em choáng ngợp trước những dãy nhà cao tầng khang trang và đẹp đẽ. Bố cho em đi thăm các trường đại học. Trường Đại học Bách khoa nằm ở trung tâm thành phố. Đây là nơi đã đào tạo được rất nhiều nhân tài cho đất nước.
- Dọc theo con đường từ trung tâm thành phố đi về phía Cầu Giấy, em được thăm Trường Đại học Giao thông, Đại học Sư phạm, Đại học Ngoại Ngữ Hà Nội... Đến trường đại học nào, bố em cũng giới thiệu cho em những nét chính của trường. Bố em báo, em phải cố gắng chăm chi học tập để lớn lên có thể trở thành sinh viên của một trong các trường đại học ở thủ đô.
- Đến Hồ Tây, em thật sự thích thú. Trong lòng thành phố lại có hồ lớn và đẹp như thế. Ngồi bên hờ hồ thưởng thức những cái bánh tôm giòn thơm thì không còn gì bằng.
- Đến thăm chùa Một Cột, em thấy ngôi chùa nhỏ như một bông sen vươn lên giữa hồ. Quả thực ông cha ta có những ý tưởng thật độc đáo và sáng tạo.
- Không khí thiêng liêng bao trùm khi bố con em vào viếng lăng Bác. Đoàn người xếp hàng đài nối nhau. Trong lăng, Bác Hồ kính yêu như đang nằm ngủ trong chiếc linh cữu bằng thủy tinh trong suốt. Cả cuộc đời Người vì nước, vì dân.
- Bên ngoài lăng, hàng tre như những người lính đứng canh bảo vệ cho lăng. Hàng trăm loài cây, loài hoa đẹp từ mọi miền đất nước tụ hội về đây tỏa ngát hương thơm...
3. Phần Kết bài
- Tuy chỉ ít ngày thăm thành phố nhưng ít nhiều em cũng thấy được sự hiện đại của những công trình, thấy được sự văn minh, lịch sự của những người dân đất Hà Thành.
- Em tự hào vẻ đất nước mình có thủ đô Hà Nội, một thành phố “Hòa bình xanh”.
- Em quyết tâm phấn đấu trong học tập, rèn luyện để có thể trở thành sinh viên của một trong những trường đại học mà em đã được bố cho đi thăm.
Đề 3:
Quê tôi ở nông thôn nhưng tôi lớn lên ở thành phố. Từ bé đến giờ, tôi mới chỉ được về quê có một lần. Nhưng lần ấy đã xa xôi lắm rồi, tôi chẳng còn nhớ điều gì nữa. Chả là lúc ấy tôi còn quá bé mà. Tuần vừa qua, tôi thật bất ngờ khi được bố mẹ cho về quê chơi ngày chủ nhật. Chuyến đi đã để lại trong tôi bao kỷ niệm khó quên.
Suốt đêm hôm trước, tôi gần như không ngủ. Tôi cứ nằm mà tưởng tượng về quê nội. Tôi chỉ nhớ mang máng đó là một vùng quê nghèo ở miền trung du. Sáng sớm tàu đã chạy, tôi nghủ lăn trong lòng mẹ vì mệt quá. Lúc tỉnh dậy bước chân đầu tiên từ tàu bước xuống là bước chân tôi đi vào nhà nội. Ngôi nhà nằm ngay cạnh đường tàu, ba gian cũ kỹ, được xây bằng thứ gạch mà lâu ngày đã bị đám rêu làm cho ngả màu xanh. Trước mặt ngôi nhà là cánh đồng lúa mới gặt xong, những gốc lúa trơ ra phơi mình dưới những cơn gió heo may.
Ăn cơm trưa xong, bố mẹ bắt tôi đi ngủ như ở trên thành phố. Đến chiều, tôi mới được mẹ cho đi chơi cùng các anh chị ở ngoài đồng. Một khung cảnh rộng mênh mông bát ngát nhìn mỏi mắt ở phía xa cũng chỉ thấy núi và mây trắng chứ không như thành phố chỉ thấy toàn nhà tầng và cao ốc. Đang cắm đầu đuổi theo con cào cào có cặp cánh màu xanh đỏ, tôi bỗng lao sầm vào một cậu bé trông người nhỏ nhắn hơn tôi khiến cậu bật phăng chiếc chạt bò. Tôi vội vàng:
- Xin lỗi cậu! Cậu có sao không?
- Không! Em không sao! Còn anh?
- Mình cũng không sao
Bây giờ tôi mới có dịp quan sát kỹ người bạn: cậu người nhỏ nhắn nhưng nhìn khuôn mặt xem chừng không ít tuổi hơn tôi. Nước da cậu đen nhém nhưng đôi mắt sáng có vẻ rất thông minh. Tôi chủ động làm quen:
- Mình tên là Hải, mới về đây thăm ông bà nội. Còn bạn tên gì? Bạn bao nhiêu tuổi?
- Em tên là Minh, em 12 tuổi.
- Vậy hả? Thế là chúng mình cùng tuổi với nhau.
Sự niềm nở của Minh không ngờ đã khiến một cậu bé khó tính như tôi nhanh chóng hoà nhập với đồng quê. Minh đã chỉ cho tôi bao thú chơi ttong buổi chiều ngắn ngủi. Những thú chơi ấy đến trong mơ tôi cũng chẳng bao giờ có thể nghĩ ra. Phải chăng vì thế mà tôi đã trở thành khó tính. Và vì thế mà giờ đây tôi mới phải đeo cặp kính cận nặng nề với một mớ kiến thức không sao tiêu thụ nổi. Minh kể cho tôi biết, cậu cũng là học sinh giỏi toàn diện của trường nhưng so với tôi, Minh còn biết bao nhiêu thứ khác. Minh dạy tôi biết bắt dế đồng rồi cho một cái hộp đề chơi trò chọi dế, dạy cách thả diều, dạy cách nghe tiếng sáo để phân biệt diều nhỏ, diều to… Tóm lại ở Minh, tôi thấy như có một kho những trò chơi mà tuổi thơ những ai lớn lên ở thành phố không bao giờ biết được.
Buổi chiều ngắn ngủi trôi đi nhanh chóng. Tôi chia tay người bạn mới quen để về thành phố. Trước khi đi Minh còn cho tôi một chiếc diều. Tôi cầm chiếc diều lấy làm thích thú mặc dù đem về thành phố nhà mình chẳng biết sẽ thả ở đâu.
Về đến nhà, thỉnh thoảng tôi lại viết thư về quê hỏi thăm Minh. Tôi hay kể cho Minh nghe chuyện phố phường, còn Minh lại bù đắp cho tôi những trống rỗng của tuổi thơ. Minh là người bạn mà tôi quen gần đây nhất. Tôi thật không ngờ ở cái nơi xa xôi ấy, tôi lại có được một tình bạn sâu sắc và thân thương đến vậy!
Đề 2
Hàng năm cứ vào dịp kỉ niệm ngày thương binh liệt sĩ, trường em lại tổ chức đi thăm các mẹ Việt Nam anh hùng, các gia đình thương binh liệt sĩ. Chúng em phân công nhau mỗi lớp đi một nhà, lớp em được cử đi thăm gia đình mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Lan.
Mẹ quê ở xã Tịnh Long, huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi. Mẹ sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo giàu lòng yêu nước. Thế rồi, truyền thống yêu nước ấy được nhân lên. Mẹ lập gia đình và một lòng đi theo cách mạng. Chồng và con của mẹ tham gia hoạt động cách mạng, luôn nêu cao tinh thần "quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh", họ đã làm rạng rỡ truyền thống kiên cường, bất khuất của nhân dân Quảng Ngãi. Với tinh thần đó, chồng và hai con của mẹ đã hi sinh trong một cuộc tiến công và nổi dậy ở Tây Nguyên, để lại trong lòng mẹ một nỗi đau thương, mất mát khôn cùng.Năm 1994, Chủ tịch nước đã kí quyết định tặng cho mẹ danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng.
Năm nay mẹ đã ngoài 80 tuổi, mẹ sống cô đơn một mình trong căn nhà tình nghĩa mà xã xây dựng lên. Tuy tuổi cao, mái tóc đã bạc trắng nhưng mẹ vẫn minh mẫn và khỏe mạnh lắm. Có lẽ linh hồn của chống và hai con đã tiếp thêm sức mạnh cho mẹ để mẹ tiếp tục sống trên cõi đời này.
Chúng em mới tới đầu ngõ, mẹ đã đon đả chạy ra chào hỏi. Chúng em lễ phép chào mẹ. Khuôn mặt mẹ đang hằn sâu những nếp nhăn bỗng bụt tươi lên nụ cười đôn hậu. Bạn Uyên - Chi đội trưởng thay mặt liên đội kính cẩn đặt lên bàn thờ chồng và ***** một bó hoa huệ thơm ngát, chúng em lần lượt đến bàn thờ và thắp hương với tấm lòng thành kính, biết ơn sâu sắc. Rồi chúng em tặng quà cho mẹ, ngồi quây quần bên mẹ, nghe mẹ kể cuộc đời hoạt động cách mạng của gia đình mẹ, của chồng và con mẹ. Kể đến đấy, mẹ rưng rưng nước mắt, mẹ nghẹn ngào xúc động khi lòng mẹ khơi dậy hình ảnh của người thân đã vĩnh viễn ra đi. Chúng em cũng không cầm được nước mắt. Em thầm nghĩ không gì có thể đền đáp xứng đáng công lao của những người mẹ đã cống hiến những đứa con ruột thịt của mình cho Tổ quốc. Rồi mẹ nói tiếp: Ngày nay mẹ không còn chồng con nhưng bù lại tình thương bao la của các cháu, của cán bộ và nhân dân nên mẹ cũng an lòng. Mẹ mong chúng em học giỏi, thành tài, kế tục sự nghiệp của cha ông. Mẹ gởi lời cám ơn đến ngàng giáo dục thành phố Quảng Ngãi, các cơ quan đoàn thể đã phụng dưỡng mẹ, quan tâm chăm sóc mẹ thật chu đáo về vật chất lẫn tinh thần.
Trò chuyện với mẹ rất lâu, chúng em được nghe rất nhiều chuyện mẹ kể. Tất cả lớp đều im lặng nghe tuàng lời từng câu mẹ nói ra, ai lấy đều rưng rưng xúc động. Rồi cũng đến giờ phải trở về, chúng em xin phép mẹ ra về, mẹ tiễn chúng em ra ngõ và không quên nhắn nhủ một câu: Các cháu chăm học và học thật tốt nhé!
Cái ngày về thăm gia đình mẹ đã luôn khắc ghi trong tâm trí chúng tôi, càng hiểu được những mất mát của cha anh để có ngày hôm nay, tôi càng phải cố gắng học tập thật tốt để trở thành người tài giỏi sau này về xây dựng quê hương đất nước, đền đáp công ơn của những người đã hi sinh cho chúng ta có cuộc sống này.
Trong đời này, ai chẳng có một người bà. Và tôi cũng vậy, ngoài tình yêu thương mà bố mẹ dành cho, tôi còn được sống trong tình thương yêu trìu mến của bà. Vì điều kiện gia đình, tôi phải chuyển nhà, không được ở bên bà nhưng hình ảnh bà luôn khắc sâu trong trái tim tôi.
Bà tôi năm nay đã ngoài bảy mươi tuổi. Tóc bà trắng như những bà tiên trong các câu chuyên cổ tích. Lưng bà còng lắm rồi. Làn da nhăn nheo với nhiều chỗ có chấm đồi mồi. Bà đã hi sinh cả tuổi xuân, tần tảo, bươn chải, thức khuya dậy sớm nuôi nấng mẹ và các dì tôi. Đôi mắt bà không còn tinh tường như trước nhưng cái nhìn thì vẫn như ngày nào: Trìu mến và nhân hậu. Đôi bàn tay thô ráp, chai sần bởi suốt đời lặn lội, vất vả kiếm cơm áo cho các con.
Ngày còn thơ bé, tôi được sống trong vòng tay yêu thương vô bờ bến của bà. Đêm nào tôi cũng chìm trong giấc ngủ êm đềm nhờ những câu chuyện cổ tích bà kể. Sáng sớm, bà gọi tôi dậy đi học. Lời gọi: “Cháu ơi, dậy đi nào, đã đến giờ đi học rồi” luôn làm tôi tỉnh táo sau giấc ngủ dài. Bà dắt tay, đưa tôi đến trường. Chờ cho cánh cổng trường khép hẳn, bà mới an tâm ra về. Chiều chiều, vẫn cái dáng đi lặng lẽ ấy, bà đưa tôi trở về nhà. Mỗi khi ở cạnh bà, tôi cảm thấy ấm áp vô cùng.
Có lần bị ngã, tôi đã nằm ăn vạ rất lâu. Bà đẩy con lật đật và bảo: “Con lật đật luôn biết đứng dậy sau mỗi lần vấp ngã. Cháu của bà cũng vậy, đúng không nào? Cháu được như con lật đật là bà rất vui”. Nghe lời bà, tôi nín khóc và tự đứng dậy. Bà cười móm mém “Cháu ngoan lắm, lại đây bà phủi đất cho nào”. Những hôm học khuya, buồn ngủ quá, tôi gục luôn xuống bàn thiếp đi. Sáng hôm sau, khi tỉnh dậy, tôi thấy mình đang đắp chăn, nằm trên giường. Trên bàn học, đèn đã tắt từ lúc nào, sách vở được sắp xếp gọn gàng, ngăn nắp. Bà đã bế tôi lên giường, xếp lại sách vở cho tôi.
Bà luôn chăm lo việc nhà. Mẹ tôi không muốn bà làm, sợ bà mệt nhưng bà không nghe. Tôi mong mình lớn thật nhanh để đỡ đần cho bà nhưng nhiều khi, tôi lại ước ao thời gian trôi thật chậm để tôi mãi mãi nằm trong vòng tay yêu thương của bà
Bà rất vui tính, thường kể cho cả nhà nghe những chuyện hài hước. Bà cũng luôn sẵn sàng giúp đỡ hàng xóm, vì vậy, ai cũng yêu quý bà. Bà yêu thương tôi nhưng không nuông chiều. Có lần, tôi không nghe lời bà. Cả tuần, bà không nói với tôi một câu nào. Sang tuần sau, bà gọi tôi vào phòng, giảng giải cho tôi biết đâu là điều hay lẽ phải. Tôi cảm thấy ăn năn, xấu hổ vì để bà buồn. Sau chuyện đó, tôi tự hứa với mình, không bao giờ được phụ công lao tình cảm của bà.
Đề 1: Kể về một kỉ niệm đáng nhớ (được khen, bị hiểu lầm, ...)
Trong đời, ai cũng từng có một lần mắc lỗi. Tôi cũng phạm phải một lỗi lầm khiến tôi day dứt mãi với một trong những người bạn thân nhất của mình.
Tôi và Nam là đôi bạn thân từ nhỏ, khi mà hai đứa mới học mầm non. Khi bước vào Tiểu học, tôi là đứa duy nhất trong xóm học ở ngoại thành, còn những bạn khác thì đều học ở trường Tiểu học Ngọc Sơn, trong đó có Nam. Bước vào năm học mới, ai cũng bận rộn hẳn lên, tôi và Nam không còn thời gian mà gặp nhau như hồi mầm non nữa.
Một hôm, cô giáo yêu cầu chúng tôi hãy viết một đoạn văn tả cảnh một bãi biển. Hôm đó, tôi ngồi cắn bút mãi mà chẳng nghĩ ra được câu nào bởi vì từ trước tới giờ, tuy là lớp trưởng nhưng tôi vẫn luôn học kém môn văn cho nên mỗi khi làm bài, tôi lại phải nghĩ nát óc mới “nặn” ra nổi một câu. Ngồi nghĩ cả buổi chiều mà tôi chẳng viết nổi một từ, bỗng một ý nghĩ lóe lên trong đầu tôi: “Hay là mình nhờ Nam giúp? Văn là môn “tủ” cùa cậu ấy mà!”. Nghĩ vậy, tôi chạy vụt sang nhà Nam, vừa đến cổng nhà bạn, tôi đang định bấm chuông thì nghe thấy tiếng nói của mẹ Nam:
- Thương đó à? Vào đây chơi đi cháu.
Tôi đẩy nhẹ chiếc cổng bằng sắt, bước vào sân. Đột nhiên, một cái bóng lao tới, tôi định thần nhìn rõ, chú chó Alaska của Nam có tên gọi là Rex, chú chó mà thường cùng chúng tôi tham gia những chuyến thám hiểm hồi trước, chú cọ cái đầu vào chân tôi và dẫn tôi vào nhà. Dù đã lâu tôi không đến nhà bạn chơi nhưng căn nhà trông vẫn vậy. Thấy tôi, mẹ Nam nói:
- Cháu đợi nhé, bạn Nam sẽ xuống ngay.
- Vâng ạ! - Tôi đáp.
Một lát sau, Nam bước xuống. Trông cậu ấy cao hẳn lên khi vào cấp 1. Thấy tôi, Nam như rất bất ngờ:
- Ô, Thương đó à, lâu lắm mới thấy cậu đến chơi. Mình cũng đang định qua nhà cậu. Có chuyện này, mình muốn nói với cậu.
Mải lo cho bài văn, tôi không thực sự chú ý đến câu nói của Nam, chỉ giục cậu ấy:
- Ừ, vào học rồi nên tớ cũng bận. Thôi, có chuyện gì nói sau, giờ cậu giúp mình bài văn này đã, mai mình phải nộp rồi.
Mẹ Nam bước vào với đĩa trái cây trên tay, nói:
- Hai đứa học đi, bác sẽ nói với mẹ Thương để cháu ở lại, nhé!
- Vâng ạ!
Phòng đọc sách của nhà bạn thật là rộng. Đối diện với tủ sách là góc học tập ngăn nắp. Đang nhâm nhi đĩa trái cây ngon tuyệt, tôi chợt nhìn thấy một cuốn sổ màu đen nằm trên mặt bàn. Tò mò, tôi cầm lên. Ngó quanh, Nam đã đi lấy sách vở, tôi bèn mở ra đọc. Khi mở trang đầu tiên, tôi nhìn thấy dòng chữ “ Những tâm sự về cuộc sống của tôi” Là nhật kí của cậu ấy. Tôi cứ phân vân không biết có nên đọc hay không nhưng vì nghĩ rằng chúng tôi là bạn thân mà cậu ấy thì đã đi ra ngoài rồi nên chắc là đọc một chút cũng không sao. Nghĩ vậy, tôi bèn hồi hộp đọc ngay trang thứ hai:
“Ngày 27 tháng 9 năm 2011
Hôm nay thật là trời lại mưa và bố mình đi công tác xa chưa về nên mình không được đi ăn kem, nhưng nếu đi thì chắc chắn mình sẽ rủ Thương -người bạn thân nhất của mình.”
Không hiểu sao, cuốn nhật kí ấy cuốn hút tôi như có một ma thuật vậy, tôi bèn mở trang tiếp theo:
“Ngày 28 tháng 9 năm 2011
Chán thật, hôm nay trời vẫn mưa nhưng điều mà làm cho mình buồn hơn cả là hôm nay bố mẹ lại cãi nhau mà mình lại không biết vì sao, cầu mong mai trời sẽ tạnh mưa và mình sẽ được đi ăn kem.”
Bỗng nhiên, tôi giật bắn mình vì Nam đang đứng ngay trước mặt. Tôi có thể thấy được sự giận dữ trên mặt bạn mình. Cậy ấy hét lên:
Sao cậu lại có thể làm như vậy.
Tôi hoảng sợ, run rẩy đánh rơi luôn cuốn nhật kí trên tay. Luống cuống, tôi chỉ biết lắp bắp:
- Mình… mình…
Rồi hấp tấp rời khỏi nhà cậu ấy. Khi đã về nhà, tôi mới định thần và tự hỏi bản thân rằng vì sao tôi lại không thể kìm nén sự tò mò như vậy? Cả đêm, tôi cứ trằn trọc không ngủ được, những câu hỏi cứ liên tục hiện ra trong tâm trí tôi: “Mình có nên xin lỗi cậu ấy hay không ?”, “Nếu mình xin lỗi thì bạn sẽ còn chơi với mình nữa không?”
Hôm sau, tôi đến trường như mọi ngày và nộp bài văn dở tệ mà tối qua tôi đã làm một mình cho cô, nhưng may mắn thay, hôm đó, cô chưa thu bài. Khi tiếng trống vang lên báo hiệu sự kết thúc của một buổi học tôi về nhà mà trong lòng không yên, tôi cứ nghĩ về tối hôm qua, muốn sang nhà xin lỗi Nam. Tuy nhiên, khi bước vào phòng tôi thấy một bức thư. Sau khi đọc xong thư, tôi ngỡ ngàng! Là Nam, cậu viết thư để xin lỗi vì tối qua đã mất bình tĩnh để rồi nặng lời với tôi như vậy và để thông báo rằng sáng nay, gia đình cậu sẽ lên máy bay để sang định cư tại Canada. Hôm qua, cậu ấy định nói cho tôi biết mà chưa kịp. Tôi vội chạy qua nhà Nam nhưng căn nhà đã đóng kín cửa. Ôi, đáng ra tôi mới phải là người xin lỗi vậy mà giờ đây, tôi đã không có cơ hội để gặp lại Nam nữa. Có lẽ cuộc sống của Nam tại nơi ở mới có nhiều bận rộn nên từ đó tới nay, tôi và Nam vẫn chưa liên lạc được với nhau.
Và tôi chỉ ước rằng mình có thể quay ngược thời gian để có thể sửa lại lỗi lầm của tuổi ấu thơ.
Trong tuổi thơ của mỗi người, ai cũng có những kỉ niệm đáng nhớ về thầy, cô giáo cũ của mình, những kỉ niệm đẹp xen lẫn nỗi buồn đều được khắc sâu trong trí nhớ của chúng ta. Riêng tôi có một kỉ niệm mà tôi không bao giờ quên, kỉ niệm sâu sắc về một người thầy đáng kính của tôi.
Năm ấy, khi tôi còn học lớp một, tôi có những kỉ niệm đẹp về thầy giáo chủ nhiệm của mình. Tôi đã bước sang lớp một, ngưỡng cửa của bậc tiểu học, có nhiều bạn mới, thầy cô mới.
Ngày trọng đại ấy, ngày tôi không bao giờ quên. Sau buổi lễ khai giảng, tất cả các học sinh đều bước vào lớp học của mình để học buổi học đầu tiên và gặp gỡ thầy cô giáo chủ nhiệm của mình và cũng là người sẽ gắn bó với tôi trong suốt thời gian học tiểu học.
Khi thầy bước vào, dáng người thầy thật nhanh nhẹn và thầy chào chúng tôi. Tôi trông thầy cũng đã đứng tuổi, tóc thầy cũng đã điểm bạc, khuôn mặt thầy gầy, bàn tay thầy có nhiều vết nhăn, chắc thầy đã có mấy chục năm "lận đận" với học sinh. Thầy bước lên bục giảng, thầy ra hiệu cho chúng tôi im lặng và thầy nói: "Chào các con, thầy tên là Hồ Viết Cảnh, thầy sẽ chủ nhiệm lớp các con trong suốt bậc tiểu học". Giọng thầy thật ấm áp, nhẹ nhàng, làm cho những suy nghĩ trong đầu tôi về một người thầy giáo chủ nhiệm thật dữ dằn và nghiêm khắc đều tan biến.
Sau khi ra mắt chúng tôi, thầy bắt đầu dạy cho chúng tôi những bài học đầu tiên mà cũng là những bài học đầu đời dạy tôi nên người. Thầy viết lên bảng những dòng chữ đầu tiên, tôi trông thấy bàn tay thầy run run khi viết, sau này tôi mới biết, thầy phải chịu đựng những cơn đau do tham gia cuộc chiến tranh kháng chiến chống Mĩ để viết nên dòng chữ đẹp đó. Sau khi viết xong đề bài, thầy hỏi chúng tôi có thấy rõ không, một và bạn ngồi phía dưới do mắt kém nên không thấy liền được thầy chỗ khác cho phù hợp. Trong buổi học thầy đến tận chỗ của từng người để chỉ cho chúng tôi những chỗ không hiểu. Cuối giờ, thầy cho chúng tôi xếp hàng ra về, mọi người đi về rất thẳng hàng, tiếng cười đùa của một vài bạn đã làm xôn xao khắp sân trường. Buổi học đầu tiên đã kết thúc như vậy đó, thầy đã để lại cho tôi những suy nghĩ về một người thầy mẫu mực.
Những buổi học sau, thầy nghiêm khắc với những bạn lười học, khen thưởng những bạn ngoan. Giờ ra chơi, thầy đều ra chơi cùng chúng tôi, thầy chơi những trò chơi dân gian cùng với chúng tôi, nhìn khuôn mặt thầy lúc đấy thật đáng yêu, nhìn kĩ thầy, tôi có cảm giác khuôn mặt thầy rất giống khuôn mặt ông nội tôi. Ông tôi đã mất từ khi tôi còn nhỏ, những kỉ niệm đẹp của ông và tôi đều được tôi khắc ghi. Nhìn thầy, tôi cảm thấy nhớ đến ông, nhớ đến cảnh chơi đùa của hai ông cháu, tôi liền chạy vào phòng học, ngồi trong góc khóc. Lúc đó có một bàn tay đặt lên vai tôi khẽ vỗ về, hình ảnh ông nội vỗ về tôi mỗi khi buồn hiện về, tôi bỗng khóc to lên, không sao có thể kiềm chế được. Thì ra đó chính là thầy, thầy khẽ nói với tôi: "Thành, sao con khóc, nói ra để thầy chia sẻ với con". Rồi thầy ôm tôi vào lòng, nhận được sự an ủi của thầy, tôi càng khóc to hơn. Sau hôm đó tôi cảm thấy được thầy quan tâm nhiều hơn.
Vào một hôm, do tôi không học bài nên bị điểm kém, thầy liền mắng tôi, tôi liền chạy về chỗ ngồi, trong lòng tôi cảm thấy rất tức thầy. Vào giờ ra chơi thầy không ra chơi với các bạn như mọi khi, thầy xuống chỗ tôi. Thầy nói: "Thầy xin lỗi em vì đã quá nặng lời, nhưng em là lớp trưởng nên phải gương mẫu cho các bạn noi theo....". Thầy giảng lại cho tôi bài tôi chưa hiểu. Tôi nhìn thầy lúc đó mà trong lòng cảm thấy hối hận vô cùng, ân hận vì đã làm thầy buồn. Tôi tự hứa sẽ cố gắng phấn đấu tốt hơn.
Vậy đấy, thầy đã để lại cho tôi những kỉ niệm không bao giờ phai mờ về một người thầy giản dị mà thân thương. Tôi hứa sẽ cố gắng học tập để trở thành công dân tốt, có ích cho đất nước và xã hội.
Trong suốt những năm tháng học dưới mái trường mến yêu, người mà em kính mến nhất đó là cô Thanh. Đó là người đã mang lại cho em những tình cảm cao quý của một người cô giáo đối với học sinh.
Em còn nhớ rõ, năm em học lớp hai, ngày đầu tiên cô Thanh bước vào lớp với dáng vẻ rất hiền hậu. Cô còn trẻ lắm, dáng cô thanh mảnh, nhỏ nhắn và rất dễ thương. Cô rất thương yêu học sinh. Ngày nắng cũng như ngày mưa, cô chưa bao giờ đi dạy trễ hoặc nghỉ dạy ngày nào. Cô luôn dịu dàng với học sinh nhưng rất nghiêm túc trong giảng dạy. Những giờ ra chơi, nếu có bạn nào không hiểu bài, cô ân cần ở lại lớp giảng cho từng bạn. Những bạn nam hay đùa nghịch, phá phách cô nhẹ nhàng nhắc nhở. Cô thường lấy những mẩu chuyện vui, có ích để giáo dục chúng em. Bạn nào có lỗi cô chỉ khuyên răn chứ không hề la mắng. Còn bạn nào học yếu cô luôn quan tâm đặc biệt để bạn ấy tiến bộ hơn. Vì thế chúng em ai cũng yêu quý cô, xem cô như người mẹ thứ hai của mình.
Em còn nhớ có một hôm, khi học xong tiết cuối bỗng nhiên em bị sốt, người nóng ran. Cô đã không ngại đường xa chở em về nhà, báo cho mẹ em biết bệnh tình của em. Sau đó em nghỉ học mấy ngày để bình phục do vị sốt siêu vi. Dù không đi học những bữa nào cô cũng đến thăm em và phân công các bạn thay phiên chép bài cho em. Chỗ nào em không hiểu cô sẽ giảng lại tường tận. Bạn nào có hoàn cảnh gia đình khó khăn cô cũng giúp đỡ, có khi còn đóng tiền học phí dùm cho một bạn trong lớp có hoàn cảnh mồ côi ba mẹ ở với bà ngoại. Trong lớp ai cũng quý mến cô, ngày Nhà giáo Việt Nam chúng em tặng quà cho cô cô chỉ cười bảo: “Món quà quý nhất với cô đó là kết quả học tập thật giỏi của các em đó!” Ngoài việc dạy kiến thức ở trường, cô còn dạy cho chúng em kĩ năng múa hát, rất vui.
Giờ đây, tuy đã xa cô nhưng em vẫn nhớ mãi từng nụ cười, ánh mắt, giọng nói dịu dàng của cô. Cô đã truyền cho một một tấm lòng nhân hậu, dạy em biết cách yêu thương và quan tâm đến mọi người, tin yêu cuộc đời. Em tự hứa với lòng sẽ học thật giỏi để cho cô vui lòng,trở thành con ngoan, trò giỏi và một người có ích cho xã hội. Cô là tấm gương sáng để học sinh chúng em noi theo.
Quê nội em ở rất xa thành phố nên chẳng mấy khi em được về thăm. Năm nay dù dã mười hai tuổi nhưng em cũng mới chỉ được về thăm ông bà nội có một lần. Lần ấy lâu lắm rồi, từ khi em còn nhỏ lắm nên hầu như em chẳng nhớ điều gì nữa. Thế nhưng tuần vừa qua, cảm ơn những ngày nghỉ của bố, em đã được về quê nội.
Bố báo tin mừng trước ba ngày. Ba ngày là khoảng thời gian quá lâu để hâm nóng niềm vui và chờ đợi. Thế rồi cuối cùng em cũng chờ được đến lúc lên tàu. Chuyến tàu hôm ấy đông đúc và ồn ã lắm. Dường như em có cảm giác ai cũng về quê thì phải. Con tàu lăn bánh rời khỏi sân ga trong một niềm vui mừng bâng khuâng khó tả. Tàu chạy gần cả một ngày nhưng em không muốn ngủ. Cảnh vật bên đường mới thích làm sao. Hết làng mạc lại đến cánh đồng, rồi đồi bãi bát ngát mênh mông. Hai bên đường lúc thì rợp một màu xanh, lúc lại nhộn nhịp vô cùng khi tàu đi qua phố chợ. Em đang miên man suy nghĩ thì tàu đến sân ga.
Nhà nội cách sân ga chưa đầy nửa cây số nên bố quyết định cả nhà đi bộ. Bước trên con đường mà dưới chân sỏi và đá cứ kêu lạo xạo, em thấy có một cái gì đó lạ vô cùng. Một cảm giác em chưa từng được trải qua. Loáng cái đã đến cổng nhà bà nội. Chiếc cổng bằng tre cũ kỹ, che một phần giàn mướp sai trĩu quả bên trong. Thấy cả nhà đã về tới cổng, bà nội vui mừng ra đón. Không hiểu sao lúc ấy tự nhiên em vứt ngay túi đồ xuống đất sà vào lòng bà nội mà nức nở. Buổi tối hôm ấy qua đi trong một giấc ngủ ngon làn cùng bà nội.
Sáng hôm sau bà gọi em dậy sớm và hình như em cũng không muốn ngủ lười như ở trên thành phố. Bây giờ em mới kịp quan sát kỹ ngôi nhà của ông bà nội. Ngôi nhà ba gian lâu ngày bị gió sương làm chuyển sang màu nâu bạc. Nhưng bên trong vẫn toát lên vẻ ấm cúng, thiêng liêng và gần gũi vô cùng. Trong bữa cơm buổi sáng, em cố khớp những hình ảnh đã hình dung với hình ảnh thực của ông bà nội. Ông bà trẻ hơn so với suy nghĩ của em. Dù đã ngoài bảy mươi nhưng ông vẫn khỏe mạnh và quắc thước. Bà nội tóc có bạc hơn nhưng bà vẫn còn nhanh nhẹn lắm.
Bữa cơm vừa xong là lúc em bắt đầu được thưởng thức những cảm giác thú vị của đồng quê. Trong khi ông bà miệng bỏm bẻm nhai trầu cùng bố mẹ em và các chú bàn công chuyện thì em được các anh chị họ rủ ra đồng chơi. Hôm nay em là nhân vật trung tâm nên anh chị nào cũng giành phần để chăm chút cho cậu em từ thành phố mới về. Ôi! Những ngày ở quê, các anh chị đã cho em biết thêm bao điều thú vị. Và có lẽ vui mừng hơn cả là những trò chơi của tụi nhỏ ở nông thôn. Lần đầu tiên em biết thế nào là một con diều sáo. Và lại còn được anh hai cho cầm dây mới thích chứ. Rồi còn biết thêm trò chơi chọi dế, đánh cỏ gà, đá bóng bằng trái bưởi phơi khô...lại còn cả những buổi được đi chăn trâu thật là ngộ nghĩnh. chỉ vài ngày mà em quen thêm bao nhiêu người bạn mới. Điều lạ là ai cũng dễ gần, cũng dễ chơi và nhanh thân thiết lắm chẳng như trên thành phố.
Những ngày ở quê vội vã qua đi trong sự nuối tiếc của em vì hầu hết những cuộc chơi còn đang dang dở. Ngày trở về thành phố ông bà còn cho rất nhiều quà. Bà ôm em vào lòng khóc nhưng không rơi nước mắt. Bà nói: Cháu bà ngoan! Về thành phố nhớ chăm chỉ học hành, lần sau trở lại chắc cháu bà lớn lắm. Em không nức nở như lúc mới về mà chỉ dửng dưng. Ở trong lòng bà em cảm thấy quê nội ấm áp, thiêng liêng, cao quý mà gần gũi xiết bao.
Sau chín tháng học hành vất vả, cuối cùng chúng em cũng được nghỉ hè. Mùa hè đến, bố mẹ thường hay đưa em đi chơi công viên nước hoặc đi xem vườn thú. Nhưng em thích nhất là được về quê thăm ông bà nội.
Như mọi năm, cứ đầu mùa hè là gia đình em dành khoảng 3 - 4 ngày cùng nhau về quê chơi. Quê em đẹp lắm. Đi trên con đường đất gập ghềnh sỏi đá, ngồi trong xe nhìn ra xa, là cánh đồng lúa rộng bao la mang màu xanh của mạ non. Xa xa, một vài chú bò đang khoan thai gặm cỏ. Một vài cậu bé đang chạy đuổi nhau để giành lấy cánh diều đang bay cao trên trời xanh rộng lớn. Chốc chốc, một đàn chim lại đua nhau chuyền cành.
Nhà ông bà nội em nằm trên một con đường nhỏ, ô tô không đi vào được. Nhà ông bà lợp mái ngói đỏ, mang màu rêu phong cổ kính. Trước nhà là một mảnh vườn nhỏ, là nơi ông em trồng rau và nuôi gà. Cành đó là một ao đầy cá. Khi thấy em và bố mẹ đến, ông bà phấn khởi lắm. Ông ôm em một cái thật chặt sau đó dắt em ra vườn chơi rồi cầm cần rẻ em ra câu cá. Hai ông cháu nói chuyện rôm rả. Ông hỏi thăm tình hình học tập của em và kể cho em nghe rất nhiều chuyện. Thấy hai ông cháu đang vui vẻ với nhau, bà em dắt bố mẹ em vào nhà và pha chè.
Tối đến, bà cùng mẹ chuẩn bị bữa cơm "cây nhà lá vườn": cá kho, thịt luộc cùng canh chua – toàn thịt rau mà ông bà nuôi trồng trong ao vườn. Có lẽ bởi thế nên em thấy bữa ăn rất ngon. Xong, em ra nằm võng ở ngoài vườn và ngủ đi lúc nào không hay.
Thời gian trôi qua mau cũng đã đến lúc bố mẹ phải đi làm, em cũng cần chuẩn bị cho năm học mới. Trước khi chia tay, ông tặng em chiếc cần câu của ông và dặn: "Khi nào rảnh thì lại lên đây chơi với ông nhé".