K
Khách

Hãy nhập câu hỏi của bạn vào đây, nếu là tài khoản VIP, bạn sẽ được ưu tiên trả lời.

Ông Cự là người không sợ ma. Cả làng tôi ai cũng khẳng định thế, bởi chẳng những đào mồ cuốc mả, bốc mộ mà đến thần phật gần nhà ông cũng coi cá mè một lứa. Nhà ông gần ngôi đền cuối làng, vườn miếu là đất thánh, cây cối um tùm, cỏ tranh rậm rạp nhưng ông vẫn hay lần mò khi thì bắt con rắn, con chim khi thì mò mẫm đào bới gốc cây, củ hoa. Người làng mỗi khi bắt gặp đều chép miệng, báng bổ vậy thánh quở chết. Mỗi lần có ai khuyên can hay có ý ngăn cản ông lại cười hềnh hệch, cháu có ăn trộm của ai đâu mà các bác phải sợ hay ông bổ thẳng vào mặt người ta, thần thì cũng chỉ là ông đất nung, ngày rằm không lễ thần cũng giống tôi mà thôi.
Có lẽ, ở mảnh đất bốn bề là ruộng, ngoài ruộng người ta không tìm được công việc gì có thể kiếm thêm thì sự chăm chỉ bỗng trở thành thảm họa. Người ta sẵn sàng vơ vóng bất cứ cái gì có thể mang lại giá trị kinh tế dù chỉ là phút chốc hay đơn thuần “chẳng nhẽ lại vứt bỏ”… Và vì lẽ ấy, ở mảnh đất quê tôi lễ nghĩa thần phật, ma quỷ chưa có nhiều đất để dung thân. Người dân nghèo quá, họ chưa lo đủ cho mâm cơm tươm tất nào đâu đoái hoài đến sự đủ đầy của tuần rằm, mồng một. Tín thánh, tin thần thì mâm lễ cũng vỏn vẹn chỉ có đĩa gạo sống, quả trứng gà luộc dở, ba que nhang cắm cho đoạn nỗi niềm thôn quê quạnh quẽ.
Ấy thế mà ông Cự cũng gặp ma. Có lần tôi lân la vào nhà ông chơi, thấy ông ốm nằm rên hừ hừ, hỏi thăm bà vợ, sau hồi sụt sùi bà kể chẳng là hôm qua ông nhà đi kéo chũm đoạn đồng Chuôi Gươm tầm gần 3 giờ sáng mới lật đật vác về. Cơn thèm thuốc lào của ông Cự không bao giờ cho ông đi được hết đêm mặc dù càng khuya kéo cá càng vào. Mà khổ nỗi, tay vác chũm kéo quanh, tay xách thùng, thắt lưng lại đeo giỏ nên có thèm thuốc lào nên lác đôi con mắt cũng không thể xách điếu đóm theo được. Tối hôm ấy, khi về phía cuối làng, cơn mưa vừa dứt, dãy bóng đèn cao áp đường làng tắt ngóm, cả làng cắt điện vì sấm sét, trong bóng tối đen kịt ông Cự lầm lũi vác chũm với cái thùng lúc lắc vừa cá vừa nước tới cầu ao xóm Đông Hạ tính xuống rửa chân, tiện giặt qua cái chũm trước khi về nhà. Mà nhà ông có mỗi cái bể nước mưa, giờ này cũng chẳng làm sao múc được khâu nước để rửa ráy. Bước thấp bước cao khi vừa tới mép cầu ao thì ông thấy cá trong thùng quẫy mạnh khiến ông lảo đảo vì nặng. Ông nghĩ ông lắc người hạ chũm nên cá thấy động thì quẫy. Nghĩ vậy, ông hạ cái thùng bên trên bờ rồi rón rén thò ngón chân cái dò dẫm từng bậc cầu ao kẻo trời tối trơn trượt. Thế rồi vừa mới tới bậc thứ 2 ông sững người khi thấy phía bên phải hướng ông đang nhìn có hình ảnh 2 người đàn bà ngồi nhổ tóc sâu cho nhau. Ông thều thào kể với tôi, mắt long lên. “Tôi chắc chú à. Hai người đàn bà xõa tóc, đen sì. Bóng đen như được khắc hẳn thành hình nên khối giữa đêm hè không trăng, không ánh điện. Mới ban đầu tôi tặc lưỡi, chắc mẹ con bà Hoa nửa đêm không chồng khó ngủ nên mang nhau ra bờ ao hóng gió. Nhưng quái lạ tôi không hề nghe tiếng động, mà bới tóc sâu sao lại bới lúc trời đêm như mực”. Người ông Cự khi kể tới ấy cũng toát mồ hôi, vẻ mặt vẫn đượm màu sợ hãi. “Rồi tôi đánh bạo hỏi to, mẹ con bà ngủ muộn thế?”. Câu hỏi ông Cự vừa thoát ra tan ngay vào màn đêm, vào bóng tối loãng toẹt. Tiếng cá trong thùng ông để trên bờ quẫy mạnh, mặt nước dập dềnh, lóng lánh. Ông Cự đứng sững, không gió, không mưa mà ông vẫn thấy lành lạnh. Câu hỏi của ông tan vào đêm không có hồi âm. Bóng đen vẫn ngồi đấy, ông Cự cũng đứng trân trân cố gắng xem cái tri giác của ông đúng hay na quỷ muốn chòng ghẹo ông. Cả hai bên chưa nhận ra nhau, hay ông Cự chưa xác định được ông đang tỉnh hay là mắt mờ vì thèm thuốc thì ngay phía dưới chân ông có tiếng trẻ em khóc oe oe. Tiếng khóc khi gần khi xa, lúc to lúc nhở khiến chính ông không nhận ra được nó phát ra từ hướng nào. Nhưng định thần lại, tiếng khóc ngay dưới chân ông, tức là dưới cầu ao nơi ông đang định bước xuống. Ông Cự run lẩy bẩy, tay chân ông dù có muốn vận đến mấy phần công lực như trong phim chưởng cũng không thể nhấc lên mà chạy. Ông bỗng rơi vào tình trạng, chạy không được mà ngất cũng không xong. Ông đứng như trời trồng, mắt vẫn rướn về phía trước nhưng khoảng không và đêm đen như bịt chặt đôi mắt không cho ông cảm nhận ngoài nỗi sợ hãi như từng sợi khói thuốc lào len lõi vào sâu trong từng thớ thịt làn da. Ông Cự từng nhiều năm làm nghề bốc mộ cho tới khi làng cho người chết đi hỏa thiêu. Khi bật nắp quan tài có những đám ông phải dùng đến con dao rựa róc từng lọn thịt còn bám dính vào hài cốt do chưa phân hủy hết ông cũng không cảm thấy ghê rợn như lúc này. Ông vẫn tin vào sự cứng bóng vía của mình bao lâu nay, tin vào sự trải nghiệm sương gió đêm hôm gần năm mươi năm ở mảnh đất làng Đăng này.
Ông Cự vẫn đang đối mặt với nỗi sợ chưa biết làm cách nào dứt ra được thì tiếng khóc im bặt, phía hai bóng đen lại phát ra tiếng cười khúc khích rồi xa xa có tiếng người nhảy xuống ao đánh “ùm” rõ to. Màn đêm như thau mực Tàu bị pha thêm nước, loãng dần, nhạt dần và ông Cự cũng chợt tỉnh. Biết là mình đã được diện kiến với những linh hồn mà còn bị chúng trêu đùa ít phút thì ba chân bốn cẳng ông bỏ cả cá, cả chũm nhảy lên bờ chạy một mạch về nhà và liệt giường cho tới tận bây giờ khi tôi vào thăm.
Làng tôi không biết tự khi nào ở giữa làng đã có một dãy liền tới 12 cái ao cá lớn nhỏ. Các cụ vẫn truyền dạy rằng đó là long mạch của làng, vận khí của làng có được để con cháu bình an khi xa nhà, người dân thì mạnh khỏe, đời sống được an ninh khang thái là do phong thủy bắt cội từ bố cục làng, dân sinh sống hai bên, ao hồ ở giữa chạy xuyên suốt cả dọc đường làng. Nhưng dãy ao cá đó cũng mang lại không ít những câu chuyện đau lòng. Cái ao phía cuối làng, nơi có cái cầu ao ông Cự gặp ma khi xưa làng còn những rặng cây bàng quanh ao cứ buổi trưa lũ trẻ nhỏ lại trốn ra đó tắm ao. Chỉ tắm thôi cũng chán nên chúng nghĩ ra trò trèo lên cành cây rồi nhảy xuống. Có đứa còn lộn nhào như các vận động viên nhảy cầu trên tivi vậy. Chính vì thế mà mùa hè năm ấy thằng cu Vũ với đám bạn của nó vừa mới ra tắm được ít phút thì thằng Vũ trèo lên nhảy lượt mở màn. Nó quá thành thuộc chỗ này, lại khỏe nên vẫn biểu diễn thường xuyên. Nhưng hôm nay vội vã trèo lên, chân nó còn ướt, chưa bám chắc vào cành cây, nó bị trượt khi cố nhún lên để bật người lộn nhào. Cú nhảy của nó bị hụt, nó ngã úp bụng xuống mặt nước, rồi thằng Xuân nhảy ngay sau đó cứ nghĩ rằng Vũ đã lặn ra xa mà không hiểu thằng Vũ bị ngạt nước vẫn chưa tỉnh. Cú nhảy liền sau đó, Vũ bị Xuân vô tình đạp vào đầu khiến nó chúi xuống nước bất tỉnh. Cả bọn tắm xong hồn nhiên kéo nhau về cho đến tận chiều tối cả làng ngỡ ngàng, tiếng người nhà thằng Vũ thất thanh khi thấy con mình được chiếc lưới kéo cá vóng lên từ đáy ao. Mồm miệng nó sặc bùn đất, mắt vẫn mở thao láo, sắc da còn tươi tỉnh lắm. Nhưng khi pháp y tới khám nghiệm thì kết luận nó chết đã được 4h đồng hồ. Câu chuyện diễn ra chóng vánh, kết thúc chóng vánh. Bố mẹ nó cũng làm lễ cầu hồn để nó nhập mộ nhưng có lẽ cái lễ mọn quá mà quỷ thần không thấu chăng. Thằng Vũ vẫn lởn vởn trên mặt ao. Những nhà gần ao kể lại nhưng đêm trăng sáng người ta vẫn thấy bóng người bơi bì bõm dưới ao, hay thi thoảng có người đi làm về khuya lại thấy có đứa trẻ ngồi bờ ao khóc.
Cũng cái ao ấy, trước khi thằng Vũ chết có con bé làng bên đi chợ theo mẹ về qua đây chẳng biết chơi đùa thế nào bị lộn cổ xuống, mẹ nó đi trước mải chuyện, cứ nghĩ con phía sau cho tới khi về gần tới nhà thì con đã ở dưới đáy ao no một bụng nước. Người đàn bà bị chồng đánh chửi, họ hàng ruồng ghét thì ít bữa sau cũng tìm gặp con ở dưới đáy ao luôn. Những cái chết oan nghiệt, những linh hồn ấm ức dù cách này hay cách khác họ cũng không có cơ hội được thanh thản bước qua cõi luân hồi để đến một thế giới khác. Họ không thành quỷ, nhưng vong hồn họ ẩn dật mỗi lần hiện lên như vẫn luyến lưu cõi trần gian ai oán.
Ông Cự ốm dạo đó mất khoảng mươi hôm. Thùng cá ông bỏ lại đến sáng ra vợ ông xách về thì không có con nào sống xót. Ông cũng bỏ luôn cảnh đêm hôm lần mò con cua con cá. Ông xin vào cái lò gạch trong làng phụ việc vặt, kiếm được đồng nào hay đồng đó, và cái được nhất là điếu thông, thuốc ngon, đóm cháy không khiến ông phải thèm thuốc lào đến lác cả mắt…

0