K
Khách

Hãy nhập câu hỏi của bạn vào đây, nếu là tài khoản VIP, bạn sẽ được ưu tiên trả lời.

11 tháng 12 2016

Trong xã hội ngày nay, kiến thức là một kho tàng vô cùng rộng lớn của loài người, có thể cho là không có biên giới xác định. Với sự đổi mới từng ngày của thế giới, lượng kiến thức dần được mở rộng không ngừng. Trong cái kho tàng vô hạn ấy, ta có thể tìm kiếm, ứng dụng để xây dựng nên một tri thức mới đem lại niềm tự hào, niềm tin cho cả một dân tộc. Chính nhờ những yếu tố đó, một triết gia người Anh – Francis Bacon đã đưa ra một nhận định : “Tri thức là sức mạnh” để bộc lộ suy nghĩ của bản thân ông, và cũng để chứng minh cho nhân loại thấy được, điều ông đang thấy !

Trước hết, chúng ta cần phải hiểu được nội dung vấn đề ở đây là điều gì. Chúng ta đang tìm hiểu về “Tri thức”. Vậy “Tri thức” có nghĩa là gì? Thật đơn giản khi ta chỉ hiểu tri thức là những thông tin được biểu đạt trong sách vở, trong những văn bản thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau. Nếu như chỉ có hai điều ngắn gọn như vậy, vì sao ta lại không dùng từ “kiến thức” thay cho “Tri thức”? Thưa là vì “Tri thức” còn mang một ý nghĩa sâu xa hơn. Đó là tập hợp nhiều quá trình phức tạp khác nhau, thông qua việc nhận thức, giao tiếp, lý luận,… trong nhiều vấn đề của xã hội. “Tri thức” được xây dựng bằng cả một quá trình rất rất dài mới có thể được biểu đạt dưới dạng văn bản. Ngoài ra đó còn là một quá trình sáng tạo dựa trên những gì đã có một cách hoàn chỉnh hơn. Như vậy, có thể coi Tri thức bao hàm tất cả những gì thuộc về ý thức của xã hội loài người.

Có một vấn đề được đặt ra khi ta định nghĩa “Tri thức” như trên. Vì sao ngài Francis Bacon lại nhắc đến Sức mạnh đối với Tri thức? Liệu rằng hai khái niệm đó có mối quan hệ với nhau? Sức mạnh được hiểu là một dạng năng lực của con người, một dân tộc hay cả một quốc gia, một xã hội loài người. Ngoài ra Sức mạnh còn có thể là năng lượng phát sinh của những máy móc thuộc nhiều ngành khác nhau (còn được gọi là Công suất). Giữa “sức mạnh” và “tri thức” có mối liên hệ chặt chẽ là bởi có tri thức, ta mới có thể sáng tạo ra những vật dụng, máy móc và để chúng phục vụ ta trong đời sống hằng ngày. Đó cũng có thể là việc ứng dụng những chiến lược sách vở để chiến thắng trong một cuộc chơi thực tế… Vì vậy, quả thật không sai khi nhận định “Tri thức là sức mạnh”

Trong chúng ta, không ai mà không biết đến tên những nhà bác học như Pythagore, Thales, Newton, Einstein, Edison,… Những nhà bác học ấy đều sử dụng vốn kiến thức hiện tại mà sáng tạo ra những điều mới mẻ hơn, phục vụ cho đời sống vật chất lẩn tinh thần cho toàn xã hội. Chẳng hạn như là nhà khoa học Edison với bóng đèn điện hay xe lửa,… hay những công thức Toán của Thales và Pythagore, tất cả đều được sử dụng rộng rãi cả ngàn năm nay,… Chúng ta còn được tìm hiểu về quá trình lai của các loại cây từ những nghiên cứu của Mendel,… Như vậy, thật đúng đắn khi tìm hiểu sau vào nguồn tri thức vô hạn này.

Thế nhưng, không phải sức mạnh nào cũng được tạo ra bởi tri thức cũng đem lại hạnh phúc cho con người. Nếu sử dụng vốn tri thức uyên bác của mình theo lợi ích, tham vọng riêng của các nhân thì e rằng sản phẩm của tri thức sẽ đem lại tang thương cho cả xã hội loài người. Chúng ta từng biết tới Nobel như một ông vua thuốc nổ. Ông đã tìm ra công thức kết hợp Nitroglycerin với những vật chất khác để hoàn thiện sản phẩm nổ của mình. Thuốc nổ của ông được sử dụng trong việc phá đá, phá núi,… thế nhưng khi công thức đó rơi vào tay của những kẻ độc ác, cũng như những người thiếu hiểu biết và người không biết cách sử dụng an toàn thì Thuốc nổ của Nobel trở thành một vũ khí huỷ diệt con người. Một minh chứng cho chúng ta thấy rõ được vấn đề chính là nỗi đau tang thương của người dân Nhật Bản khi hứng chịu hai trái bom nguyên tử Fat Man và Little Boy (Dự án Manhattan) – là sản phẩm trên lý thuyết của Albert Einstein (Người sáng tạo ra Thuyết tương đối), Bohr (Người sáng tạo chính ra thuyết Lượng tử), John von Neumann (Nhân vật sáng tạo Lý thuyết trò chơi) và cùng nhiều nhà khoa học kiệt xuất khác khi rơi vào tay những nhà quân sự của Hoa Kỳ (Những người có tâm niệm “Không thể không cho toàn thế giới biết sức mạnh của Mỹ”) trong WW2. Qua những bằng chứng khủng khiếp đó, ta thấy được tầm quan trọng của việc tỉnh táo khi sử dụng nguồn tri thức vô hạn này. Nếu ứng dụng nó cho quyền lợi cá nhân thì cả xã hội sẽ đi đến điểm KẾT THÚC.

Việt Nam ta là quốc gia có tinh thần học tập rất đáng ngợi khen. Từ thới nhà Lý đã tổ chức được khoa thi tuyển chọn nhân tài. Tất cả các bậc danh hiền đó đã cùng nhau gom góp tri thức để xây dựng quốc gia Đại Việt xưa ngày một tốt đẹp và phát triển. Là một người con nước Việt, chúng ta không còn xa lạ khi nhắc đến cụ Phan Bội Châu với Phong trào Đông Du, hay cụ Chu Văn An đã đào tạo ra những nhân tài cho đất nước. Ngoài ra chúng ta còn có cụ Nguyễn Đình chiều với những bài thơ cổ động chống Pháp, cụ Nguyễn Du với những bài thơ mang đậm triết lý nhân sinh,…
Tiếp theo những thế hệ cha ông đi trước, hàng loạt những phong trào học tập diễn ra để phát triển nhân tài. Tiêu biểu cho giai đoạn phát triển phong trào đấu tranh – học tập này là Bác Hồ. Bác đã bôn ba khắp chốn để tìm kiếm, gom góp kiến thức, chiến lược để đem về quê nhà với khát khao giải thoát dân tộc khỏi ách thống trị của Thực dân Pháp và Đế quốc Mỹ. Và trên con đường gian khổ đó, Bác đã gặp được học thuyết Marx-Lenin, một con đường để đưa nước ta đến cao trào cách mạng. Đó có thể được xem là sức mạnh vô hạn mà Bác đã ứng dụng, đem lại tự do cho toàn thể dân tộc Việt Nam. Thật đáng tự hào cho một con người với một nguồn tri thức dồi dào, là niềm vinh hạnh cho đất nước.

Đó là những thành tựu, là sức mạnh mà những con người ở thế kỷ trước đem lại cho dân tộc. Thế trong những thời gian gần đây, những con người nào đã làm sáng danh dân tộc? Vâng, đó là GS Ngô Bảo Châu – người chứng minh thành công bổ đề Langlands trong 16 năm kiên trì nhẫn nại. Ông đã được tôn vinh trước toàn thế giới với giải thưởng Toán học danh giá Fields. Họ là những người đã trưởng thành và có những cống hiến to lớn, vậy ở lứa tuổi THPT, nước Việt ta đã có những thành tựu nào được quốc tế ghi nhận. Qua các kỳ thi Olympic quốc tế, những cái tên như Lê Bá Khánh Trình (HCV Đặc biệt Olympic Toán 1979), Đậu Hải Đăng (HCV Olympic Toán 2012) hay Trần Hoàng Bảo Linh (HCĐ Olympic Toán 2012 – Học sinh lớp 11 trường PTNK),… Quả thật không còn ngôn từ nào để diễn tả được sức mạnh mà tri thức đem lại cho loài người chúng ta.

Qua những lời phân tích trên, chúng ta có thể thấy được sức mạnh mà tri thức đem lại. Nó không chỉ là sức mạnh về quân sự, hay khả năng huỷ diệt hàng loạt,… mà còn là niềm tự hào, sự cứu rỗi cho toàn dân tộc. Hiện nay, một vấn đề Toán học đang được rất nhiều nhà khoa học tiếp tục nghiên cứu và phát triển, đem lại biết bao ứng dụng cho các ngành khoa học khác như Y học, Công Nghệ, Kinh tế học,… Đó là LÝ THUYẾT TRÒ CHƠI (John von Neumann). Nhiều nhà kinh tế học đã được giải Nobel Kinh tế cho những thành tựu quan trọng được xây dựng từ lý thuyết này. Hi vọng một ngày nào đó, chúng ta sẽ có thêm những con người ứng dụng Lý thuyết này trong một ngành khoa học, để đem lại lợi ích và niềm tự hào cho toàn thể dân tộc Việt Nam.

Nói tóm lại, chuyện gì cũng luôn có hai mặt đối lập song hành. Vì vậy, chúng ta phải thật sự tỉnh táo để có thể hiểu được sức mạnh mà tri thức đem lại. Hãy sử dụng vốn tri thức của mình để đem lại hạnh phúc cho người khác. Chứ đừng dùng nó để khiến cho cả thế giới này khóc nhiều hơn. Nhân loại đã khóc quá nhiều trong các cuộc chiến tranh. Và nhiệm vụ của chúng ta là xây dụng Hoà bình. Là một công dân sống trên Trái Đất này, hơn nữa lại là người con nước Việt, chúng ta còn chần chờ gì mà không ra sức học tập, rèn luyện, sáng tạo để tiếp thu và phát huy nguồn tri thức, tích góp kinh nghiệm cho bản thân để đem đi giúp đời, giúp người. Hãy phát triển nguồn tri thức ngày một rộng lớn hơn, và để nó mạnh mẽ hơn, bạn nhé !!!

tick cho mình đúng nhe mình mất nhiều thời gian để làm bài này lắm đóhehe