Đến những câu thơ tiếp theo bức tranh thiên nhiên được vẽ ra qua tự giới thiệu về làng tôi của tác giả. Khung cảnh được tác giả vẽ ra là một khung cảnh của buổi sớm mai, với không gian thoáng đạt, trời trong, gió nhẹ, nắng mai hồng, với hình ảnh những con người dân trai tráng bơi thuyền đi đánh cá
“Khi trời trong gió nhẹ, sớm mai hồng
Dân trai tráng bơi thuyền đi đánh cá”
Thế đấy, quê hương trong thơ Tế Hanh hiện lên đẹp và mát dịu như vậy. Thiên nhiên trong thơ ông còn là bức tranh lao động rất đỗi bình dị, gần gũi nhưng đầy sức sống:
“Ngày hôm sau, ồn ào trên bến đỗ
Khắp dân làng tấp nập đón ghe về.
“Nhờ ơn trời biển động cá đầy ghe
Những con cá tươi ngon thân bạc trắng”
Có thể nói, qua con mắt của một người con yêu quê nhưng phải sống xa quê, bức tranh thiên nhiên qua thơ Tế Hanh hiện lên thật đẹp, tràn đầy nhựa sống. Nó khác hẳn với cái vẻ buồn bã, thê lương đang hiện hữu trong thơ mới giai đoạn này.
Tiếp theo, chúng ta thấy, tình yêu quê hương của hai nhà thơ còn được thể hiện thông qua việc gửi gắm tâm sự thầm kín. Với Thế Lữ, ông gửi lòng yêu nước vào tâm sự thầm kín của con hổ trong bài thơ Nhớ rừng, nhớ biết bao nhiêu thời vàng son oanh liệt. Ta nghe đó như chính là nỗi nhớ lịch sử vàng son oanh liệt của đất nước. Tâm trạng của con hổ là một ẩn dụ thể hiện tâm trạng của tác giả của người dân Việt Nam lúc đó. Đó là những con người đang ở trong vòng nô lệ, chịu sự áp bức, bóc lột của bọn thực dân Pháp và của xã hội phong kiến. Con hổ muốn được thoát khỏi song sắt chật hẹp của vườn bách thú cũng giống như tâm trạng của người dân muốn thoát khỏi cái vòng vây nô lệ đó:
“Ta đương theo giấc mộng ngàn to lớn”
Giấc mộng ngàn của chúa sơn lâm cũng là khao khát tự do thầm kín của con người được gửi gắm một cách tế nhị trong thơ. Còn đối với Quê hương của Tế Hanh, tình yêu quê hương đất nước là nỗi nhớ quê hương da diết khi xa quê. Mười bảy tuổi, xa quê, Tế Hanh luôn nhớ về quê hương làng vạn chài của mình. Với tấm lòng yêu quê hương sâu sắc, bức tranh làng chài thật sinh động và đậm nét qua cảm xúc của nhà thơ. Khi tả cảnh dân chài bơi thuyền đi đánh cá Tế Hanh đã dựng lên một không gian trong trẻo gió nhẹ rực rỡ nắng hồng… Con thuyền dũng mãnh vượt Trường Giang với sức sống mạnh mẽ mang một vẻ đẹp hùng tráng, bất ngờ hiếm thấy trong thơ mới, một bức tranh lao động đầy hứng khởi và đầy sức sống trong thơ mới. Phải cảm nhận được sức sống lao động của làng quê bằng cả tâm hồn thiết tha gắn bó mới viết được những câu thơ thật hay, thật đặc sắc:
“Cánh buồm giương to như mảnh hồn làng
Rướn thân trắng bao la thâu góp gió”.
Mảnh hồn làng ấy chính là nơi cho tâm hồn nghệ sĩ neo đậu với tấm lòng tha thiết nhớ thương về quê hương. Và đặc biệt hơn cả, nỗi nhớ quê hương, tình yêu quê hương được bộc lộ một cách trực tiếp ở khổ thơ cuối:
“Nay xa cách, lòng tôi luôn tưởng nhớ:
Màu nước xanh, cá bạc, chiếc buồm vôi,
Thoáng con thuyền rẽ sóng chạy ra khơi,
Tôi thấy nhớ cái mùi nồng mặn quá!”
Nhớ về quê hương miền biển của mình, nhà thơ nhớ: màu nước xanh, cá bạc, chiếc buồm vôi, nhớ con thuyền rẽ sóng và đặc biệt hơn cả là nhớ mùi vị mặn mòi của biển khơi – mùi vị đặc trưng mà chỉ có ở miền biển mới có được. Nỗi nhớ thiết tha trong xa cách là chất thơ đầy bình dị mà khỏe khoắn toát lên từ bức tranh thiên nhiên tươi sáng thơ mộng.
Quả thực, khi viết về tình yêu quê hương trong thơ mới, đặc biệt qua hai bài thơ Nhớ rừng và Quê hương, chúng ta phải nhìn nhận rằng cái “tôi” trong mỗi tác giả vừa được giải phóng tỏa hương thành vườn hoa đầy hương sắc của Thơ mới. Và mặc dù tình quê hương đất nước trong các bài thơ tuy chưa tích cực như thơ văn Cách mạng nhưng đáng trân trọng. Đó là một khoảng rộng trong trái tim yêu dào dạt của các nhà thơ mới trong đó có Thế Lữ và Tế Hanh.