MB. Giới thiệu vẫn đề cần NL

VD. Có thể nói vấn đề học ngoại ngữ hiện nay đang được xem là một vấn đề không mới nhưng có thể thấy được rằng nó như luôn luôn hiển hiện và rất quan trọng đối với đời sống của chính chúng ta. Và trong một bài phỏng vấn, du học sinh Đỗ Nhật Nam có câu trả lời đó là “Tiếng Anh giúp em đi xa, Tiếng Việt giúp em về gần.” Xung quanh câu trả lời cua cậu bé thần đồng này cũng có rất nhiều ý kiến trái chiều khác nhau. Và chúng ta nên hiểu như thế nào?

TB. Triển khai làm rõ vấn dề

1. Giải thích:

- Tiếng Anh giúp em đi xa: tiếng Anh là ngôn ngữ toàn cầu, được sử dụng chính trong các hình thức giao tiếp quốc tế. Khi có cho mình vốn ngôn ngữ này mỗi người sẽ tự tin đi ra ngoài đất nước và tiếp xúc được với nhiều đối tượng… “đi xa” hiểu theo nghĩa đen là được hội nhập với thế giới; nghĩa bóng là mở mang hiểu biết về các lĩnh vực của cuộc sống - mở rộng tầm nhìn.

- Tiếng Việt giúp em về gần: Tiếng Việt là ngôn ngữ quốc gia, phổ biến trong phạm vi một đất nước - Việt Nam. Với những người con đi xa tổ quốc thì nói Tiếng Việt chính là được “trở về”, trở về với tiếng nói dân tộc, trở về với quê hương, tổ tiên, với cội nguồn...

Ý cả câu: Đề cao vai trò của ngôn ngữ, ngôn ngữ là một trong những yếu tố hợp thành quan trọng, góp phần làm nên cái nền tảng về giá trị, bản sắc, tinh hoa của văn hóa dân tộc.

2. Bàn luận:

a. Khẳng định tính đúng đắn của câu nói:

- Tiếng Việt - thứ của cải lâu đời và quý báu - liên quan trực tiếp tới ý thức xã hội, ứng xử và giao tiếp cũng như các kết quả hoạt động vật chất và tinh thần của người Việt.

- Đến nay, Tiếng Việt đã trải qua một quá trình phát triển và hoàn thiện đều là nhờ vào sự đóng góp không hề nhỏ của ông cha ta đã vun đắp cho Tiếng Việt ngày càng giàu đẹp và giữ cho Tiếng Việt mãi là tiếng nói của một dân tộc có chủ quyền.

- Trải qua bao biến cố lịch sử, Tiếng Việt vẫn tồn tại và làm nên một dòng chảy văn hóa, gắn kết quá khứ với hiện tại, kết nối lời yêu thương giữa những người mang chung tiếng nói, chung dòng máu Việt.

- Sức mạnh kì diệu của Tiếng Việt giống như biển lớn của tinh thần hòa hợp dân tộc. Thần thái Tiếng Việt chính là sức sống mãnh liệt của con người Việt Nam cần cù, nhẫn nại, ân nghĩa, thủy chung, kiên cường, bất khuất…

- Người Việt đến với Tiếng Việt là “trở về” với cội nguồn, với phẩm chất cao đẹp của con người Việt Nam và đặc biệt là văn hóa Việt.

- Muốn giao lưu, học hỏi thì cần phải thông thạo ngôn ngữ toàn cầu - Tiếng Anh. Học tiếng Anh là để tiếp thu được kiến thức nhân loại, tạo cơ hội cho bản thân vươn tới những tầm cao mới cũng như để khẳng định vị trí nước nhà trên bản đồ thế giới.

- Có trong tay một ngoại ngữ, nhất là tiếng Anh chính là chìa khoá mở ra cho mỗi người rất nhiều cơ hội: học tập, tìm kiếm việc làm, trải nghiệm cuộc sống,… Khi bạn sử dụng được ngoại ngữ tốt, tức là bạn đã trao gửi được tâm hồn cho người bản xứ, và những thông điệp từ trái tim đến trái tim sẽ đưa bạn đến nhiều điều kỳ diệu khác.

- Cần biết mở rộng ngoại ngữ để được tìm hiểu và khám phá thế giới nhưng cũng cần biết gìn giữ tiếng mẹ đẻ để có thể giúp mỗi người tìm thấy chính mình và bản sắc dân tộc mình.

b. Bàn luận mở rộng:

- Gần đây, sự trong sáng của Tiếng Việt đang dần bị đe dọa bởi một thứ ngôn ngữ mới, mang tên gọi “ngôn ngữ tuổi teen”, làm biến dạng ngôn ngữ mẹ đẻ và mất đi nét đẹp văn hóa truyền thống trong cách ứng xử, giao tiếp. Với cách viết “pha chế” ngôn ngữ như lai ghép, thay thế vô lối từ ngữ Tiếng Việt, nhiều bạn trẻ còn “chế biến” ra các thể loại từ ngữ thiếu tế nhị, không hợp với thuần phong mĩ tục, mang tính chất chợ búa. Những từ ngữ tục tĩu, thiếu văn hóa dần đã trở thành

phổ biến trong đời sống của giới trẻ.

- Nhiều người học ngoại ngữ theo trào lưu, học ngoại ngữ thứ hai là một điều tốt, nhưng học ngoại ngữ theo xu hướng lại là hiểm họa.

- Học ngoại ngữ cần có niềm đam mê, kiên nhẫn nên không thể chấp nhận kiểu học theo trào lưu. Vì vậy, một khi đã quyết định theo đuổi bất cứ một ngôn ngữ nào, hãy hết lòng vì nó.

3. Đánh giá và đề xuất ý kiến:

- Khẳng định vấn đề đặt ra trong câu nói là hoàn toàn đúng đắn.

- Chúng ta cần phải biết giữ gìn nét đẹp nhân văn trong lời nói và cách hành xử của bản thân, bởi đó chính là thước đo văn hóa mỗi khi bạn bè khắp năm châu đánh giá về con người Việt Nam. Đặc biệt, thế hệ thanh niên hôm nay cần phải có những hành động thiết thực để xây dựng nên giá trị bền vững của Tiếng Việt, đồng thời phổ biến Tiếng Việt trên toàn thế giới cũng chính là đưa đất nước bước lên con đường phát triển phồn thịnh.

- Biết sử dụng tiếng Anh như một chìa khóa để gặt hái thành công và đưa đất nước hội nhập với thế giới.

KB. KĐ lại vấn đề

VD. Việc học vừa giỏi kiến thức chuyên môn, vừa giỏi về ngôn ngữ là ta đã chạm tay đến gần hơn thành công của bản thân. Câu nói chân thật, trong sáng của Đỗ Nhật Nam cũng là lúc ta nên suy nghĩ  về việc thế hệ trẻ chúng ta cần làm tròn trách nhiệm đưa đất nước vươn xa qua thứ ngôn ngữ quốc tế nhưng trên đó chúng ta cũng phải gánh vác trách nhiệm gìn giữ màu sắc của ngôn ngữ dân tộc, sự tự tôn dân tộc bất biến.