Sherlock Holmes từng nói rằng điều phân biệt anh với bác sĩ Watson nằm ở hai chữ “nhìn”  và “quan sát”: “Thế giới này chứa đầy những điều rõ ràng mà không một ai chịu để mắt quan sát lấy một lần.” Sở dĩ nói như vậy vì tư tưởng của những con người vĩ đại như vị thám tử đây với Machiavelli đã gặp gỡ nhau trong câu nói: “Ai cũng có mắt nhưng ít người có khả năng nhìn thấu suốt.” “Mắt” là một bộ phận không thể thiếu trong bộ giác quan quan trọng của con người, là công cụ để ta gặp gỡ và chiêm ngưỡng vẻ đẹp của thế giới qua hình thể sắc màu. Ai cũng có thị giác, nhưng không phải ai cũng có “khả năng nhìn thấu suốt”, tức tận dụng tối đa khả năng của giác quan mà ta đang có để quan sát sự việc, con người, thế giới một cách kĩ lưỡng, làm phong phú thế giới quan của mình. Như vậy, Cha đẻ của chính trị triết học hiện đại, qua cách nói đối lập tương phản, muốn khẳng định giá trị của khả năng “nhìn thấu suốt” trong tương quan với cách sống của nhân loại. Con người thường sống hời hợt nông cạn, cho rằng mình đã thấu tỏ vạn vật nhân sinh, rằng những gì cần biết đều hiển hiện ngay trước mắt, thế nên khả năng “nhìn thấu suốt” thường bị quên lãng. Nhưng ta đâu biết rằng, với những bộ óc lớn thì chẳng có thứ gì là nhỏ bé. Từ điều bình thường mà nhìn ra được cái bất thường, đó mới là cái “ít người” trong muôn ngàn đôi mắt. Có ngàn đôi mắt, nhưng chỉ của Newton mới nhìn thấy Định luật vạn vật hấp dẫn từ sự rơi của quả táo nhỏ. Có ngàn đôi mắt, nhưng chỉ của Tesla mới nhìn thấy cơ chế của dòng điện xoay chiều qua chuyển động của xe đạp. Nếu không nhìn mọi vấn đề một cách toàn diện, sâu sắc, làm sao ta có thể tìm ra phương hướng giải quyết nó một cách triệt để? Đời cho ta đôi mắt, nhưng đời cũng cho ta cả một vũ trụ lớn. Muốn sống sâu, phải nhìn xuyên thấu mọi vật trên đời. Muốn đi du lịch vòng quanh thế giới? Hãy tập đứng một chỗ mà quan sát cảnh đẹp xung quanh trước đi. Muốn dự đoán được tương lai, hãy quan sát kĩ hiện tại. Mọi sự đều có mối liên kết, từ nhỏ đến lớn, từ trong ra ngoài, và bản chất sự vật hiện tượng thì chẳng bao giờ phơi lồ lộ trước mắt ta cả. Vật cũng thế, mà người cũng vậy. Mỗi người cũng là một tiểu hành tinh nhỏ với vô vàn những cung bậc cảm xúc, vô vàn những rung động tinh vi đang cuồn cuộn lướt sóng trong tâm hồn với bề ngoài bình yên. Nếu chỉ tiếp xúc bên ngoài, làm sao ta có thể hiểu được người – bước đẩy quan trọng giúp ta vươn tới được thành công? Điều đó cực kì cần thiết đối với những con người vẫn đang miệt mài tạc lại những khoảnh khắc của nghệ thuật. Đốp-gien-cô từng nói: “Hai người cùng nhìn xuống vũng nước, một người chỉ thấy vũng nước, một người lại thấy trời sao. Đấy là nghệ sĩ.” Những người nghệ sĩ tài hoa vẫn thường phải dùng đôi mắt của mình để “nhìn thấu suốt”. Có như thế, thì nữ sĩ Hồ Xuân Hương mới nhìn thấy trong chiếc bánh trôi cả cuộc đời lênh đênh ba chìm bảy nổi cùng vẻ đẹp từ trong ra ngoài của người phụ nữ. Có như thế, những người nghệ sĩ Đông Hồ mới gửi gắm nỗi căm tức về xã hội phong kiến cổ hủ chà đạp người nông dân nhỏ bé vào trong “đám cưới chuột”. Có thể thấy, dù trong lĩnh vực nào, tất cả những kiệt tác bất hủ của thời đại đều được hình thành từ góc quan sát tinh tế và cách nhìn nhận sâu sắc của con người. Nhưng thật đáng buồn thay, như Machiavelli đã nói, “rất ít” người có được khả năng ấy. Thậm chí một số người còn lầm tưởng giữa “khả năng nhìn thấu suốt” với sự xoi mói, săm soi những vết đen nhỏ để dìm người khác xuống. Đó là lối sống, hiện trạng mà hầu như chúng ta đều mắc phải. Cho nên, cần phải hiểu rõ sự khác biệt ấy thì chúng ta mới có thể trở thành một người sống sâu với đời chứ không phải là những con mắt nông cạn. Tôi muốn gửi điều ấy cho mọi người, và cho cả chính mình nữa, kẻ chỉ biết nhìn đời qua bầu trời xanh mà cho rằng đó là một ngày đẹp trời. Có biết đâu, ở trên ấy, những hạt nước li ti đang dần hình thành, và chẳng bao lâu nữa, tôi sẽ bị cơn mưa của đời đánh gục...

Thiên Thương Lãnh Chu - THPT Chuyên TB.