Thang tư duy Bloom được sử dụng phổ biến để đặt ra mục tiêu dạy học và phân loại mức độ các câu hỏi, bài tập trong kiểm tra, đánh giá năng lực. Thang nhận thức này được đề xuất lần đầu tiên vào năm 1956 bởi một nhà tâm lý học giáo dục tại Đại học Chicago có tên là Benjamin Bloom. Theo thang này, trình độ tư duy của một người sẽ thể hiện qua những gì mà người đó biết hay cách thức họ vận hành tư duy. Quá trình tư duy bao gồm sáu bậc sắp xếp theo trình tự từ thấp đến cao: Nhớ, Hiểu, Vận dụng, Phân tích, Đánh giá, Sáng tạo.

loading...

 

 

 

 

 

 

 

1. Nhớ

Nhớ là khả năng phục hồi lại các kiến thức đã học. Học sinh có thể nhắc lại các thông tin, kiến thức giáo viên đã dạy. Ví dụ, nêu lại một định luật mà chưa cần phải giải thích, vận dụng định luật ấy. 

Các từ khoá thường sử dụng khi đánh giá cấp độ nhận thức, tuy duy này là: Trình bày, nhắc lại, nêu, mô tả, liệt kê,...

2. Hiểu

Hiểu là khả năng diễn đạt lại thông tin bằng miệng, văn bản hoặc hình ảnh. Học sinh có thể nắm được các ý của thông tin, tóm tắt, diễn giải lại kèm theo các so sánh, liên hệ,...Ví dụ, giải thích một định luật, tóm tắt một văn bản, trình bày một quan điểm,...

Từ khoá: Giải thích, so sánh, phân loại, cho ví dụ,...

3. Vận dụng

Vận dụng là khả năng sử dụng các kiến thức đã học vào một tình huống, điều kiện cụ thể. Ví dụ: vận dụng một định luật để giải thích một hiện tượng, thực hiện thí nghiệm dựa trên một quy trình,...

Từ khoá: Vận dụng, áp dụng, chứng minh,...

4. Phân tích

Phân tích là khả năng phân chia thông tin, nội dung, kiến thức đã học thành các phần nhỏ, sau đó xác định mỗi phần nhỏ đó liên quan như thế nào đến đến một cấu trúc hoặc mục đích cụ thể. Ví dụ, phân tích chuyển động của vật bị ném xiên để xác định tầm cao và tầm xa của vật, phân biệt mô hình hộ sản xuất kinh doanh và doanh nghiệp tư nhân,...

Từ khoá: Phân tích, phân biệt, liên hệ, hệ thống hoá,...

5. Đánh giá

Đánh giá là khả năng dựa vào các tiêu chí, tiêu chuẩn để đưa ra nhận định, phán quyết của bản thân về một vấn đề nào đó. Ví dụ: đánh giá khả năng thành công của một giải pháp, đánh giá kết quả thí nghiệm và nêu nguyên nhân dẫn tới sai số của phép đo,...

Từ khoá: Đánh giá, kiểm tra, bình luận, tổng hợp,...

6. Sáng tạo

Sáng tạo là cấp độ nhận thức cao nhất, là khả năng tạo ra cái mới dựa vào việc ghép, sắp xếp, tổ chức lại các thông tin, kiến thức đã học. Ví dụ: xây dựng hệ thống giải pháp khắc phục ô nhiễm nguồn nước ở địa phương, thiết kế mô hình nhà chống lũ,...

Lời kết:

Để kiểm tra, đánh giá hiệu quả thì giáo viên cần xác định được mục tiêu mà học sinh cần đạt được sau mỗi hoạt động học hoặc mỗi bài học. Một số lưu ý để xác định mục tiêu hiệu quả:

- Đảm bảo các mục tiêu có thể đo lường được.

- Mỗi mục tiêu chỉ sử dụng một động từ. Không đưa hai động từ vào cùng một mục tiêu (ví dụ định nghĩavận dụng), nếu học sinh định nghĩa được nhưng không vận dụng được thì mục tiêu đó có đạt hay không?

- Xác định xem các mục tiêu ứng với mức độ tư duy nào trong thang Bloom. Giáo viên có đưa ra nhiều mục tiêu dễ quá/khó qua cho học sinh hay không?

- Dựa vào mục tiêu để xây dựng các câu hỏi kiểm tra, đánh giá cho phù hợp, bám sát về cả nội dung và mức độ. 

Tham khảo:

- University of Louisville

University of Arkansas