MUỐN DẠY ĐƯỢC CON PHẢI THẤU HIỂU CON ".........

Trong thời gian gần đây, những đứa trẻ ở tuổi vị thành niên chỉ vì mâu thuẫn nhỏ  trong gia đình, vì những suy nghĩ bồng bột mà bỏ nhà ra đi, thậm chí chọn cách tự tử đã khiến chúng ta không khỏi giật mình. Các chuyên gia tâm lý cho rằng, đây là lứa tuổi trẻ có sự biến đổi về tâm lý, hơn lúc nào hết rất cần sự quan tâm, thấu hiểu, sẻ chia và đồng hành từ phía cha mẹ và người thân.

Và có lẽ chúng ta phải giật mình khi nghe những câu chuyện về những đứa trẻ vì buồn chán một điều gì đó trong cuộc sống hay xuất phát từ mâu thuẫn trong gia đình nên không kiểm soát được hành vi của mình mà đã “dễ dàng” lựa chọn cách giải thoát là tự tử.

Ngay lúc này, chỉ cần tìm kiếm từ khóa “tự tử vì bị ba mẹ mắng” hay “học sinh tự tử” trên google, chúng ta sẽ thấy hiện ra rất nhiều câu chuyện thương tâm đau lòng vô cùng. Vào đầu tháng 3/2022, 3 em học sinh lớp 7 ở Na Ngoi, huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An đã rủ nhau ăn lá ngón để tự tử. Theo lời kể của một số học sinh Trường trung học cơ sở bán trú Na Ngoi nơi các em đang theo học thì nguyên nhân nảy sinh ra hành động dại dột trên là do các em bị bố mẹ la mắng nên liền nghĩ ra cách là rủ nhau hái lá ngón ăn để tự tử. Khi được đưa đến Bệnh xá quân dân y Đoàn kinh tế quốc phòng 4, cả ba em đều trong tình trạng bất tỉnh, mạch đập nhanh, nhỏ và khó bắt, huyết áp khó đo, tính mạng bị đe dọa. Rất may, các em đã được các bác sĩ ở Bệnh xá kịp thời cứu sống.

Hầu hết xung đột giữa cha mẹ và trẻ tuổi dậy thì là do cha mẹ chưa hiểu hết những khó khăn và thay đổi tâm sinh lý của trẻ độ tuổi này. Điều này khiến nhiều bậc phụ huynh bất lực khi khó dạy bảo, hướng trẻ ngoan ngoãn nghe lời giống như khi trẻ còn nhỏ. Bên cạnh đó, chính sự bận rộn về công việc, cuộc sống hiện đại cũng là nguyên nhân khiến cho cha mẹ và con cái ngày càng có khoảng cách. Nhiều khi cùng sống trong một ngôi nhà nhưng mỗi người một phòng, có khi cả ngày không nhìn thấy mặt nhau…Dạy con không bao giờ là điều dễ dàng nhất là đối với giai đoạn con bước vào lứa tuổi dậy thì. Các bậc phụ huynh cần có tính kiên nhẫn, biết kiềm chế sự nóng nảy của mình. Bản thân cha mẹ cũng phải thật sự là tấm gương cho trẻ. Cha mẹ tuyệt đối đừng vì bất lực, nóng giận của bản thân mình mà nói ra những lời nhục mạ, xúc phạm, thậm chí là cấm đoán, ép buộc, bạo hành thân thể, bạo hành tinh thần trẻ.

Chính vì vậy, cha mẹ cần phải trở thành bạn của con, tôn trọng nguyện vọng và đặt mình vào vị trí của con trẻ chứ không nên lấy quyền làm cha, làm mẹ mà áp đặt lên các suy nghĩ, hành động của con cái. Muốn thế cha mẹ phải kéo gần khoảng cách với con cái, gần gũi, sẵn sàng lắng nghe, thấu hiểu, chia sẻ, đồng hành cùng con để kịp thời phát hiện, uốn nắn những suy nghĩ, hành động lệch lạc; gợi mở để con cái dễ bộc lộ những điều thầm kín trong lòng, để có hướng giải quyết, tháo gỡ những khó khăn, bế tắc của con. Đồng thời, bên cạnh những nguyên tắc, những kỷ luật thì phụ huynh cũng nên có sự khích lệ con những điều tích cực trong học tập và cuộc sống.