Lòng yêu nước đâu chỉ bắt nguồn từ tình yêu một cái cây trồng trước nhà, một triền đê lộng gió bay hay một dòng sông gắn bó với ta từ thuở còn thơ… mà nó còn bắt nguồn từ một tình yêu tưởng chừng như nhỏ bé mà vô cùng cao đẹp đó là tình yêu tiếng nói dân tộc. Đối với những con người mang dòng máu Lạc Hồng cùng sinh sống trên mảnh đất hình chữ S ngày hôm nay, tiếng nói dân tộc của chúng ta chính là tiếng Việt - một kho báu văn hóa quý giá cần được gìn giữ qua tất cả thế hệ. Nhưng đặt trong bối cảnh đất nước đang trên con đường phát triển, từng bước khẳng định vị thế và thương hiệu trên trường quốc tế, tiếng Việt là chưa đủ để đảm bảo cho sự thành công. Vì vậy song hành cùng tiếng Việt ta cần một vốn tiếng Anh sâu rộng để giao tiếp và tiến hành giao lưu, hợp tác với các tập đoàn lớn trên thế giới. Quả đúng như lời du học sinh Đỗ Nhật Nam chia sẻ “Tiếng Anh giúp em đi xa, tiếng Việt giúp em về gần”
“Tiếng Anh” là một ngôn ngữ quốc tế được sử dụng rộng rãi tại nhiều lĩnh vực và khu vực trên thế giới. Với khả năng sử dụng tiếng Anh tốt, chúng ta như đã cầm trong tay một “tấm vé thông hành” kỳ diệu giúp chúng ta dễ dàng bước ra thế giới. Có thể nói, tiếng Anh là một bước đệm cần thiết khi chúng ta đang dần tiến đến hội nhập quốc tế sâu rộng. Nhưng có vì lẽ đó mà chúng ta đặt nặng và coi trọng tiếng Anh hơn tiếng Việt - ngôn ngữ mẹ đẻ của chúng ta hay không? Tiếng Việt chính là ngôn ngữ đại diện cho dân tộc Việt Nam. Nó cũng là sợi dây liên kết chặt chẽ với thời gian để những người con đất Việt tìm về với cội nguồn văn hóa và lịch sử dân tộc. Có lẽ chính vì thế mà thần đồng Đỗ Nhật Nam mới khẳng định “Tiếng Việt giúp em về gần”. Gần ở đây chính là gần với quê hương, cội nguồn dân tộc hay gần gũi hơn với những người Việt Nam máu đỏ da vàng với những phẩm chất tốt đẹp. Lời chia sẻ nhẹ nhàng mà sâu lắng khiến chúng ta nhận ra vai trò của ngôn ngữ đầu tiên và ngoại ngữ. Ngoại ngữ là chìa khóa để ta mở ra cánh cửa khám phá thế giới mới mẻ ngoài kia. Nhưng không vì vậy mà ta sẽ bỏ qua việc học tập và trau dồi tiếng Việt - ngọn đèn soi đường cho chúng ta tìm về cội nguồn của chính mình.
Chắc hẳn ít nhất một lần chúng ta đã từng nghe qua cụm từ “Toàn cầu hóa”, đó là một xu hướng phát triển hiện nay của thế giới. Điều này đồng nghĩa với việc Việt Nam có rất nhiều cơ hội phát triển kinh doanh ở nước ngoài. Vì vậy ngoại ngữ nói chung và tiếng Anh nói riêng là phương tiện để thâm nhập, kết nối mọi người và tạo điều kiện thuận lợi cho chúng ta trở thành “công dân toàn cầu”. Nắm bắt được xu hướng ấy, rất nhiều nhà tuyển dụng hiện nay luôn yêu cầu ứng viên của mình phải có ít nhất một chứng chỉ tiếng Anh và biết giao tiếp thông thường. Những nhân viên ở cùng một vị trí và năng lực nhưng ai có vốn tiếng Anh trội hơn sẽ dành được nhiều ưu thế trên con đường thăng tiến lâu dài. Chính vì thế không phải tự nhiên Fellini Federico lại khẳng định “ Một ngôn ngữ mới, một thế giới mới”. Ở thế giới mới này ta sẽ được trải nghiệm rất nhiều điều mới mẻ, đến với chân trời tri thức mới và khám phá được những điều thú vị về cuộc sống ở một đất nước khác. Nếu muốn vươn xa hơn để chinh phục vạn dặm biển khơi của trí tuệ nhân loại thì ngoại ngữ chính là một phần của cánh buồm giúp ta gia tăng tốc độ nhanh chóng hoàn thành cuộc viễn chinh của mình.
Nhưng biết tiếng Anh đâu phải là tất cả? Trước khi muốn trở thành một công dân toàn cầu hay là một người thành công trên bất cứ lĩnh vực nào thì bản thân chúng ta là người Việt Nam. Chúng ta không thể dễ dàng lãng quên tiếng Việt - tiếng nói dân tộc được truyền giữ qua bao thế hệ đến ngày hôm nay. Giữ được tiếng nói dân tộc ta sẽ không bao giờ quên đi Tổ quốc và sẽ luôn ấp ủ một tình yêu nước nồng nàn. Tiếng Việt cho chúng ta những cơ hội được sống gần với đất Mẹ tổ quốc thiêng liêng. Qua những lời ca ngọt ngào của mẹ, tình yêu thương con người được nuôi dưỡng. Qua những trang sử hào hùng của dân tộc, ta thấy được cả một thế hệ vàng của đất nước những người sẵn sàng hi sinh để làm nền hòa bình độc lập ngày hôm nay. Nhờ tiếng Việt, chúng ta trở thành những người sống tình cảm, biết cảm thông yêu thương và biết trân trọng giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc. Nhưng ngược lại nếu chúng ta khước từ tiếng nói dân tộc chính là tự tay cắt đứt đi mối quan hệ gắn bó thiêng liêng giữa đứa con - công dân Việt Nam với người mẹ đất nước đã ngày ngày nuôi nấng ta trưởng thành. Một dân tộc thực sự độc lập không chỉ độc lập tự do về mặt chủ quyền mà còn là cả văn hóa riêng. Văn hóa nước ta lại kết tinh trong ngôn ngữ dân tộc - tiếng Việt. Một khi ngôn ngữ bị đồng hóa, bị lai tạp thì việc tự đánh mất chính mình và trở thành kẻ phụ thuộc ăn nhờ ở đậu là điều tất yếu.
Tự hào về sự giàu đẹp của tiếng Việt qua các thời kì lịch sử ta lại càng cảm thấy xót xa trước nguy cơ mai một của tiếng Việt, trước sự biến dạng của tiếng Việt ngày nay. Một bộ phận thế hệ rẻ vẫn vô tư sáng tạo những ngôn ngữ học trò “đọc hiểu chết liền”, vô tư chêm những câu tiếng Anh vào một câu tiếng Việt gây rối nghĩa khó hiểu cho người nghe. Thói quen sử dụng tiếng nước ngoài vô tội vạ xuất phát từ suy nghĩ nói thế mới “sành điệu” đúng mốt hoặc từ chính thái độ coi thường, thiếu ý thức giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt. Vì vậy, mỗi chúng ta dù có tung cánh đặt chân đến miền đất mới nào cũng hay giữ cho mình tình yêu với tiếng mẹ đẻ của mình. Tình yêu đó không chấp nhận sự pha tạp từ bất cứ ngôn ngữ nước ngoài nào và kể cả những cách nói thiếu văn hóa trong giao tiếp. Và đặc biệt tiếng yêu với tiếng Việt không mâu thuẫn với việc tiếp thu tinh hoa ngôn ngữ nước ngoài. Hòa nhập ngôn ngữ nhưng không hòa tan chính là phương châm hàng đầu để gìn giữ và phát triển vẻ đẹp của ngôn ngữ tiếng Việt trong cuộc sống ngày hôm nay.
Lời tâm sự của du học sinh Đỗ Nhật Nam đã giúp tôi hiểu rõ hơn về vai trò của việc học ngoại ngữ trong cuộc sống ngày hôm nay nhưng điều đó không đồng nghĩa chúng ta sẽ bỏ quên tiếng nói dân tộc của chính mình. Như chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nói “Tiếng nói là thứ của cải vô cùng quý giá của dân tộc. ta phải giữ gìn quý trọng nó và làm nó phổ biến và ngày càng rộng khắp. Trách nhiệm này thuộc về người nào? Đó chính là chúng ta - những mầm non tương lai của tổ quốc.