Nhìn mây trôi khuất chân trời
Dạt dào nỗi nhớ chơi vơi quê nhà
Con đi cách biệt phương xa
Xứ người con thiếu mặn mà tình quê
Đó là nỗi niềm của những người xa xứ vân thiết tha hướng tới quê nhà. Đi đâu xa, những người con vẫn luôn hướng về nơi quê cha đất tổ. Và những tâm sự trong truyện minu “Xa xứ” đã gửi gắm điều ấy.
Em tôi học đến kiệt sức để có một suất du học.
Thư đầu gửi về, em viết: “Ở đây, đường phố sạch đẹp, bỏ xa lắc nước mình…”
Cuối năm viết: “Mùa đông bên này tĩnh lặng, tinh khiết như tranh, thích lắm…”
Mùa đông năm sau viết: “Em thèm một chút nắng ấm quê nhà, muốn được đi giữa phố bụi bặm, ồn ào, nhớ bến chợ xôn xao, lầy lội… Biết bao lần trên phố, em đuổi theo một người châu Á để hỏi có phải người Việt không…”.
Câu chuyện ngắn trên là lời kể về cuộc sống, cảm xúc của một du học sinh, du học ở nước ngoài. Thời gian đầu, người sinh viên cảm thấy thích thú, say mê trước những điều mới lạ, đẹp đẽ của thiên nhiên, con người và cuộc sống nơi xứ lạ. Một năm sau, khi những thứ mới lạ, hấp dẫn đã trở nên quen thuộc, bình thường, người sinh viên lại thấy thèm những âm thanh, ánh nắng quê nhà, nhớ người thân… Câu chuyện rất nhỏ nhưng cho chúng ta phải suy ngẫm về lẽ sống. Phải chăng, mỗi chúng ta đều luôn khát khao được khám phá những điều mới lạ, tiếp thu văn hóa mới. Song, trong sâu thẳm tâm hồn mỗi người, luôn có hình ảnh quê hương nguồn cội, những âm thanh bình dị, quen thuộc gắn bó từ ấu thơ… Đó cũng chính là tình yêu quê hương đất nước, nhớ về cội nguồn của mỗi con người.
Chúng ta đều luôn khát khao được đến với những vùng đất lạ, muốn tìm hiểu, tiếp thu những cái mới. Đó là cơ hội để chúng ta học tập, tích lũy thêm những kinh nghiệm, rèn luyện những kỹ năng cần thiết và cũng là cách con người bộc lộ được những tiềm năng. Vì thế, nhu cầu ra đi, đến những vùng đất mới, đất nước mới để tham quan, thưởng ngoạn cái đẹp; để khám phá, tìm hiểu, học tập là nhu cầu chính đáng, là giấc mơ đẹp của mỗi con người. Nó giúp con người hiểu biết về thiên nhiên, cuộc sống, bản sắc văn hóa, giao lưu học hỏi được những điều tiên tiến. Nó giúp con người trải nghiệm, làm giàu vốn sống, vốn tri thức, thỏa mãn đời sống tinh thần với những cảm giác thích thú, say mê trước cái mới lạ, những rung động thẩm mỹ trước cái đẹp; những cảm xúc buồn vui khi ở cách ca đất nước mình. “Người sống nhiều nhất không phải người sống lâu năm nhất mà là người có nhiều trải nghiệm phong phú nhất”. Đặc biệt, sự trải nghiệm giúp con người nhận ra giá trị đích thực trong đời sống, đó là quê hương, nguồn cội.
Quê hương nguồn cội mãi mãi là tình yêu thương, gắn bó sâu nặng trong đời sống tâm hồn của mỗi con người. Tình yêu nước, yêu quê hương là cội nguồn, gốc rễ bền chặt cho sự phát triển bền vững của ta. Nếu chỉ sống bằng những giá trị tức thời, những ham muốn của bản thân mà không khắc cốt ghi tâm cội nguồn, đạo lí truyền thống dân tộc thì sớm muộn sự phát triển của ta cũng sẽ như cây cao bị trơ rễ, bật gốc dù chỉ là một cơn gió nhẹ. Lòng yêu quê hương, đất nước làm nên bản sắc trong đời sống tinh cảm của cá nhân, giúp ta không trở nên ích kỉ vì biết gắn liền với cộng đồng, biết hòa nhập và đắm mình với những đạo lí truyền thống ngàn đời của dân tộc.
Yêu quê hương còn phải có trách nhiệm với quê hương, đó là trách nhiệm bảo vệ, dựng xây. Trách nhiệm ấy không của riêng ai mà của tất cả mọi người. Tuy nhiên hiện nay vẫn có những người quên đi cội nguồn, quên đi quê hương. Họ đi xa lập nghiệp, quên mất tiếng quê. Có nhiều người khi trở về quê hương mang theo thứ ngôn ngữ "lạ" để nói chuyện với người dân quê. Điều này thật đáng buồn. Người ta bảo "Chém cha không bằng pha tiếng". Chính bản thân họ đã đánh mất đi tình yêu đáng trân trọng và thiêng liêng ấy. Mỗi người đều có một quẻ hương để nhớ, để tìm về. Vậy thì ngay từ bây giờ, khi còn đang ngồi trên ghế nhà trường chúng ta hãy là những người có ích, học tập tốt để mai sau có thể đóp góp sức mình đựng xây quê hương. Đó là tình yêu lớn lao nhất.
Tình cảm yêu quê hương đất nước là một truyền thống tốt đẹp và đáng quý của dân tộc Việt Nam. Cho dù có ở nơi xa nhưng mỗi người vẫn luôn nhớ về quê nhà của mình. Quê hương như một người mẹ hiền ôm ta vào lòng và dành cho ta những gì tốt đẹp nhất. Quê mẹ là nơi ấp ủ tình yêu thương, nơi nuôi ta lớn, dạy dỗ, an ủi che chở cho ta. Quê hương - hai tiếng thân thương mỗi lần nghe thấy chúng ta không khỏi xúc động bồi hồi. Tình yêu quê hương đã ăn sâu vào máu thịt, đi sâu vào lòng mỗi con người. Vì vậy nếu ai chưa nhận thức chưa có tình cảm gắn bó với xứ sở của mình thì hẳn họ chưa được coi là trưởng thành.
Bình luận (0)