Nội dung tài liệu
1. Hiện tượng phóng xạ là hiện tượng một hạt nhân không bền vững tự phát phân rã, phát ra các tia phóng xạ và biến đổi thành hạt nhân khác. Hiện tượng phóng xạ xảy ra có tính chất tự phát, không chịu tác động của các yếu tố bên ngoài như nhiệt độ, áp suất môi trường,... và hoàn toàn ngẫu nhiên.
2. Các loại tia phóng xạ chính:
- Tia α là các hạt nhân \(_2^4He\), có khả năng ion hóa mạnh và đâm xuyên kém.
- Tia β có hai loại: β- là electron và β+ là positron. Tia β có khả năng ion hóa kém hơn và đâm xuyên mạnh hơn tia α.
- Tia \(\gamma\) là sóng điện từ có bước sóng rất ngắn, cũng là các hạt photon có năng lượng cao. Tia \(\gamma\) có khả năng đâm xuyên lớn hơn nhiều lần so với tia α và β.
3. Trong hiện tượng phóng xạ, chu kì bán rã là khoảng thời gian để một nửa số hạt nhân của một mẫu phóng xạ phân rã.
Hằng số phóng xạ đặc trưng cho từng chất phóng xạ, có mối liên hệ với chu kì bán rã theo công thức: \(\lambda=\dfrac{ln2}{T}\).
Trong quá trình phân rã, số hạt nhân phóng xạ còn lại giảm theo thời gian theo quy luật hàm số mũ theo công thức:
\(N_t=N_02^{-\dfrac{t}{T}}=N_0e^{-\lambda t}\)
4. Độ phóng xạ đặc trưng cho tính phóng xạ mạnh hay yếu của một lượng chất phóng xạ, được xác định bằng số hạt nhân phóng xạ phân rã trong một giây. Độ phóng xạ tại mỗi thời điểm bằng tích của hằng số phóng xạ và số lượng hạt nhân phóng xạ chứa trong chất đó tại thời điểm đang xét.
\(H_t=\lambda N_t=H_0e^{-\lambda t}\)